Thổi hồn vào tác phẩm điêu khắc

09:12, 31/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo thuộc xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), Phạm Ngọc Đường (55 tuổi) đã được truyền cảm hứng từ vật liệu gỗ khi bố anh là thợ mộc. Lớn lên, anh quyết định theo học chuyên ngành điêu khắc để được thể hiện những năng khiếu vốn có.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1986, tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Phạm Ngọc Đường nhanh chóng được nhận vào công tác tại Công ty Nhiếp ảnh và Mỹ thuật Nghĩa Bình. Sau khi tách tỉnh, anh về Quảng Ngãi và tiếp tục làm bên lĩnh vực nhiếp ảnh của công ty. Cuộc sống mưu sinh khiến anh không còn thời gian dành cho việc sáng tác những tác phẩm điêu khắc, mà một thời anh đã từng say sưa với chúng. Sau khi công ty giải thể, anh quyết định mở dịch vụ nhiếp ảnh để mưu sinh.

Tác phẩm
Tác phẩm "Hoàng Sa bất tử" của Phạm Ngọc Đường (thứ 2 bên phải).


Tiếc nuối cho một tài năng điêu khắc một thời đã được mình rèn giũa, Họa sĩ, nhà điều khắc Bùi Nam đã khuyên Phạm Ngọc Đường quay trở lại sáng tác. Lúc này, niềm đam mê trong anh đã trỗi dậy, anh trằn trọc suy nghĩ rồi hình thành trong đầu ý tưởng tạc tượng người mẹ chăm con nhỏ trên tay mình. Đó là tác phẩm “Vòng đời”. Phạm Ngọc Đường đã phác thảo ý tưởng trên nền đất sét nặn, được sự góp ý của Bùi Nam. Khi bản phác thảo hoàn thiện, anh chọn chất liệu gỗ để thực hiện tác phẩm của mình. Sau một thời gian dài bỏ ngỏ, anh phải mất nhiều thời gian để làm quen lại với nghề. Sau 2 tháng, anh mới hoàn thành được tác phẩm "Vòng đời".
 

"Càng ngày Phạm Ngọc Đường càng khẳng định mình trong giới mỹ thuật. Anh đã thoát ra cái vỏ bọc của "một người nông dân", có cách nhìn và tìm ra những mảng khối phù hợp, chọn lọc nội dung, đề tài, không gian 3 chiều. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó đã giúp Phạm Ngọc Đường có chỗ đứng trong giới mỹ thuật".
Họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Nam, nhận định.

Niềm đam mê trong anh dường như được khơi dậy khi tác phẩm đầu tay sau 18 năm ra trường được tham dự triển lãm khu vực. Từ đó, hằng năm anh đều đưa ra ý tưởng và cho ra đời một tác phẩm tâm đắc. Ban đầu, những tác phẩm của anh còn mang đậm "chất nông dân". Hơn nữa anh bị ảnh hưởng bởi nhiếp ảnh vào trong điêu khắc quá nhiều. Vì vậy, trong quá trình thể hiện, anh đã đưa vào tác phẩm quá nhiều chi tiết làm rối tác phẩm và lộ những khuyết điểm. Tuy nhiên, nhờ bản tính cần cù vốn có cùng với ham học hỏi, nên anh đã dần khắc phục những hạn chế trong quá trình sáng tác để cho ra đời những tác phẩm có chất lượng.

Nhờ được chắt lọc từ quá trình đưa ra ý tưởng đến phác thảo ý tưởng, chọn loại gỗ đến hình thành tác phẩm đều có sự học hỏi, sáng tạo trong anh. Điều kỳ lạ là, tất cả các tác phẩm của anh đều được làm bằng chất liệu gỗ.

Những năm tháng theo đuổi niềm đam mê, Phạm Ngọc Đường đã gặp không ít khó khăn, nhưng anh luôn quyết tâm gắn bó. Trong khoảng thời gian làm việc bên lĩnh vực nhiếp ảnh, anh được đi lại nhiều nơi. Nhờ vậy nên anh đã lĩnh hội được đặc trưng văn hóa vùng miền. Điều này đã giúp ích cho anh rất nhiều trong quá trình đưa ra ý tưởng sáng tác các tác phẩm điêu khắc.

Không chỉ “trung thành” với chất liệu gỗ mà các tác phẩm của anh chủ yếu phản ánh những đặc trưng văn hóa vùng miền trên quê hương Quảng Ngãi như “Trao truyền”, “Mầm sống”, “Gia đình”... Hàng năm anh đều có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực. Đặc biệt năm 2013, anh vinh dự có 2 tác phẩm: “Của biển” và “Khát vọng” tham dự triển lãm toàn quốc. Niềm vui được nhân lên khi tác phẩm “Hoàng Sa bất tử” được giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Có thể nói, "Hoàng Sa bất tử" là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của anh. Đây là giải thưởng cao nhất của hội viên tỉnh và là tiêu chí quan trọng để được xét gia nhập hội viên Trung ương.

Tác phẩm “Hoàng Sa bất tử” đã được giới chuyên môn đánh giá cao bởi bố cục lạ, diễn tả những chiếc thuyền của đội hùng binh năm xưa lần lượt xuất quân ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm cột mốc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thường thì đối với những chủ đề như thế này sẽ được các tác giả thực hiện theo bố cục nằm, nhưng Phạm Ngọc Đường đã có tư duy, sáng tạo và chuyển đổi thành bố cục đứng, từng chi tiết được anh khéo léo thực hiện dựa vào tính chất của khúc gỗ, tạo nên một tác phẩm sinh động. Tác phẩm còn đặc biệt hơn khi anh tạc hình tượng con ốc u thổi ra lửa và được đặt phía trên cùng của tác phẩm, thể hiện sự bất tử của đội hùng binh oai hùng.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.