Để tiếng họa mi luôn vang ca

08:12, 05/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, Đài PT-TH Quảng Ngãi đã phối hợp tổ chức thành công trên 10 Hội thi “Tiếng hát họa mi”. Đây là một sân chơi âm nhạc bổ ích, thiết thực dành cho thiếu nhi trong tỉnh.

Hội thi “Tiếng hát họa mi” là một sân chơi âm nhạc có truyền thống dành cho các tài năng âm nhạc nhí. Sân chơi này đã thật sự tạo tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, thu hút đông đảo thí sinh tham gia.

TIN LIÊN QUAN

Sân chơi bổ ích

Trước đây, mỗi đợt có khoảng 400 thí sinh trên toàn tỉnh tham gia. Tuy nhiên năm nay, Ban tổ chức đã khống chế số lượng. Theo đó, mỗi huyện, thành phố có từ 12-15 thí sinh tham dự. Qua hội thi đã phát hiện và giúp rất nhiều giấc mơ âm nhạc của những cô bé, cậu bé không chỉ ở thành phố mà ở các huyện đồng bằng lẫn miền núi, hải đảo trở thành hiện thực. Từ cái nôi “Tiếng hát họa mi”, nhiều em đã và đang trở thành những MC, những ca sĩ nhí được yêu thích trong các chương trình ca nhạc lớn nhỏ của Đài PT-TH Quảng Ngãi.

Một tiết mục văn nghệ tại Hội thi “Tiếng hát họa mi” năm 2016.
Một tiết mục văn nghệ tại Hội thi “Tiếng hát họa mi” năm 2016.


Chị Phan Thủy Thanh - Phó Trưởng Phòng Văn nghệ và giải trí (Đài PT-TH tỉnh), cho biết: “Hội thi đã trở thành một hoạt động có uy tín và chất lượng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Đây chính là một sân chơi lành mạnh và bổ ích với thiếu nhi trong tỉnh”.

Hơn 10 năm qua, hội thi đã phát hiện nhiều tài năng âm nhạc nhí. Trong đó, những cái tên được nhiều người biết đến như Phan Thị Khánh Linh (Nghĩa Hành). Hiện Linh là MC chính của các chương trình thiếu nhi của Đài PT-TH tỉnh, hay Đinh Thị Cẩm Lệ (Sơn Tây) là một trong những giọng ca đạt giải nhất tại hội thi “Tiếng hát họa mi” năm 2016.

Cẩm Lệ là người đồng bào dân tộc thiểu số sở hữu một giọng ca trong trẻo, với thần thái của một nghệ sĩ thực thụ. Em được ví là giọng ca “đỉnh của đỉnh” trong sân chơi âm nhạc "Tiếng hát họa mi" của tỉnh từ trước tới nay. Ngoài ra, những cái tên của một thời như Thảo My (TP. Quảng Ngãi), Anh Thư (Sơn Tịnh) cũng đã trưởng thành với vai trò là MC của các chương trình thiếu nhi và tham gia biểu diễn văn nghệ trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh.

Mỗi đợt tổ chức, hội thi lại phát hiện ra những tài năng âm nhạc nhí có chất lượng. Bởi lẽ, ban giám khảo là những người có chuyên môn bên lĩnh vực âm nhạc như nhạc sĩ Trần Xuân Tiên, Nguyễn Văn Phượng, nghệ sĩ ưu tú Đào Thi Lộc...
 

Tài năng âm nhạc nhí nếu được ươm mầm, nuôi dưỡng sẽ là nguồn lực quan trọng để bổ sung, kế cận cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
Phó Trưởng Phòng Văn nghệ và giải trí, Đài PT-TH tỉnh Phan Thủy Thanh.

Phát hiện rồi lại lãng quên

Đối với các em thiếu nhi, Hội thi “Tiếng hát họa mi” chính là dịp để các em thể hiện năng khiếu ca hát biểu diễn, giao lưu với các bạn yêu âm nhạc trong tỉnh. Hội thi còn góp công lớn trong việc lưu truyền các bài hát thiếu nhi hay, giàu ý nghĩa. Thông qua hội thi góp phần giáo dục và hoàn thiện nhân cách, bồi đắp tâm hồn cho các em qua lời ca tiếng hát của tuổi thơ.

Những khúc ca vang vọng niềm tự hào quê hương, đất nước, những khúc ca chan chứa tình yêu thương, những ca khúc theo thể loại dân ca mang đậm bản sắc địa phương... sẽ còn ngân vang mãi từ những hội thi như thế. Các em hát bằng sự hồn nhiên, mộc mạc kết hợp với âm thanh, ánh sáng, minh họa sân khấu đã tạo cho người xem cảm giác được trở về với tuổi thơ của chính mình, để rồi hòa mình với những ca từ của tuổi thơ một thời.

Tiếc rằng, sau mỗi hội thi được tổ chức, các tài năng âm nhạc nhí không có cơ hội để phát huy. Ngay cả như em Thanh Trúc - Quán quân Đồ rê mí 2010 cũng không được tạo điều kiện để phát triển. Có thể nói, tìm kiếm tài năng và đào tạo tài năng phải là một quá trình gắn kết chặt chẽ với nhau. Hội thi “Tiếng hát họa mi” là một sân chơi lớn cho thiếu nhi trong dịp hè, góp phần quan trọng vào việc phát hiện tài năng. Sau hội thi, một số em ở TP.Quảng Ngãi được mời tham gia nhóm “Hoa hồng nhỏ” của Đài PT-TH tỉnh để tham gia các chương trình văn nghệ Tết, những ngày lễ... Còn những em ở các huyện đồng bằng và miền núi, hải đảo ít có cơ hội tham gia các chương trình văn nghệ ở trường để trưởng thành hơn.

Những tài năng âm nhạc nhí về đâu sau cuộc thi là câu hỏi rất nhiều người trăn trở. Có thể nói, đối với các em thiếu nhi, khi tham gia vào một chương trình âm nhạc có quy mô cấp tỉnh thì hầu như các em đều có mơ ước được ươm mầm để phát triển tài năng và tiến gần hơn với một thế giới âm nhạc chuyên nghiệp hơn.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.