Giữ mạch hồn quê

02:11, 05/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề đan tre và dệt chiếu là hai trong số nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của cư dân Quảng Ngãi. Nó thể hiện sự khéo léo, kiên trì của người thợ thủ công và đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Trước đây, vào thời điểm nông nhàn, những người bán chiếu dạo rong ruổi trên khắp đường làng, ngõ xóm. Giá trị của mỗi chiếc chiếu hay các vật dụng bằng tre như cái rế, cái thúng... không chỉ được trả bằng tiền mặt, mà người mua có thể dùng những vật dụng đã cũ trong nhà để đổi lấy. Hình ảnh những chiếc chiếu cói quen thuộc giờ không còn hiện diện nhiều trong đời sống của nhiều gia đình. Thay vào đó là những chiếc chiếu nhựa, chiếu trúc hay những tấm nệm đủ loại, tuy nhiên những người thợ thủ công vẫn bám trụ để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Các bà, các mẹ lặng lẽ bên khung dệt, giữ hồn cho nghề truyền thống của cha ông.                                     ảnh: TL
Các bà, các mẹ lặng lẽ bên khung dệt, giữ hồn cho nghề truyền thống của cha ông. ảnh: TL


Ông Huỳnh Khưu (57 tuổi), thôn Khánh Lộc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), đã gắn bó với nghề dệt chiếu hàng chục năm nay, chia sẻ: Để làm nên những chiếc chiếu cói, người làm chiếu phải tốn nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Thường thì người dân tự tay trồng cây lác làm nguyên liệu. Sau khi thu hoạch, người dân phải chẻ cây lác ra rồi phơi khô, nhuộm màu.

Khi đã có đủ nguyên liệu thì người thợ bắt đầu dựng khung dệt và mắc trân. Khi dệt, người thợ đưa hai tay nâng khổ về phía trước khiến cho giữa hai làn sợi đay tạo thành kẽ hở; đồng thời có một người ngồi bên cạnh đưa thoi (đưa sợi chiếu vào) và người thợ rập khổ xuống để các sợi chiếu nằm ngang khít đều với nhau. Thường thì người thợ dệt sẽ bôi một ít dầu phụng lên các sợi trân để tạo độ trơn, làm cho chiếc chiếu đều và dày. Trong lúc dệt, người thợ thường xuyên bẻ viền ở đầu gáy chiếu để tấm chiếu không bị sổ. Người thợ lặp lại các động tác trên cho đến khi hoàn thành sản phẩm.

Trải qua hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Khưu đã thấm thía với những buồn vui xoay quanh cái nghề truyền thống của gia đình. Ngày nay, chiếc chiếu cói không còn được sử dụng nhiều như trước nên người làm cũng chỉ cầm chừng. Những lúc nông nhàn ông Khưu lại mang những chiếc chiếu do vợ chồng làm ra vào tận Bình Định, Phú Yên để bán. Thường thì mỗi chuyến đi kéo dài từ 30 - 45 ngày.

Mỗi đợt như vậy, ông bán được khoảng 400 chiếc chiếu. Sau khi trừ các khoản chi phí đi lại, ăn ở thì số tiền thu lại cũng chẳng được là bao, nhưng với ông, đó là nghề truyền thống của gia đình nên phải gìn giữ. “Tôi mong các cấp ngành có thể quảng bá để người tiêu dùng hiểu được vai trò của những chiếc chiếu cói, để những sản phẩm thủ công truyền thống có chỗ đứng trên thị trường. Như vậy nghề thủ công truyền thống sẽ được gìn giữ và phát huy tốt hơn”, ông Khưu mong muốn.

 

Các bạn trẻ hào hứng khi được tự tay làm nên những sản phẩm thủ công truyền thống.
Các bạn trẻ hào hứng khi được tự tay làm nên những sản phẩm thủ công truyền thống.


Nếu như người thợ dệt chiếu đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ trong từng công đoạn để có được một chiếc chiếu dày, đều và đẹp thì nghề đan tre có phần dễ dàng hơn. Chị Ngô Thị Thúy (47 tuổi), thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) cũng có thâm niên hàng chục năm trong nghề đan tre, tuy nhiên chị Thúy chỉ đan những vật dụng đơn giản như cái rế, cái giỏ... “Trước đây cha chị có thể đan được những vật dụng bằng tre đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ, tuy nhiên ngày nay những vật dụng đó đã được thay thế bằng những sản phẩm hiện đại hơn. Vì vậy, tôi chỉ đan những vật dụng đơn giản mà thị trường cần, để kiếm thêm thu nhập”, chị Thúy, thổ lộ.

Những chiếc rế, cái giỏ do chị Thúy đan hiện vẫn còn được sử dụng phổ biến, nhất là đối với những vùng quê. Trung bình mỗi sản phẩm chị làm ra chỉ có giá từ 5.000- 10.000 đồng lại thân thiện với môi trường, nên rất được người sử dụng ưa chuộng. Chị nhớ lại, trước đây, khi nghề đan tre còn thịnh hành thì nhiều thanh niên nam nữ, người già, trẻ con trong xóm tụ tập lại để đan. Tiếng cười rộn rã hòa với tiếng chuyện trò làm cho cả xóm trở nên náo nhiệt về đêm. “Giờ cái không khí náo nhiệt đó dường như không còn nữa, chỉ có một số gia đình còn giữ cái nghề truyền thống này”, chị Thúy, tâm sự.

Những mặt hàng thủ công đã thể hiện sự khéo léo, kiên trì của người thợ lại thân thiện với môi trường. Việc gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống không những giúp bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có, mà còn giúp cho thế hệ trẻ hình dung được hình ảnh nông thôn, làng xóm Quảng Ngãi ngày xưa.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.