Về "Miền ký ức"

09:10, 24/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đọc “Miền ký ức” của Nguyễn Ngọc Trạch, tác giả đưa ta về với một vùng quê Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Ở đó, có tiếng sóng đêm đêm rì rào vỗ về ngoài bãi biển, tiếng gõ nhịp đuổi cá trên dòng sông Kinh huyền thoại, ngày gió nam thổi rộ văng vẳng tiếng hò giựt chì lưới rùng, lưới trủ.

“Miền ký ức” có hơn 40 bài với nhiều thể loại như bút ký, ký, truyện ngắn, bài viết... tác giả đã khắc họa chi tiết bức tranh chân dung một vùng quê trước biển, sau sông. Ở đó, có những phong tục tập quán, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các nghề truyền thống như lưới rùng, lưới trủ, lưới chà, lưới xâu... Này là những món ăn gợi nhớ quê nhà như gỏi cá rựa, canh rau mứt cá khoai, mắm lạt, mắm còng đu đủ... Nơi đó có những người con dầu dãi một nắng hai sương, bên đồng, bên biển.

 

“Miền ký ức” – của tác giả Nguyễn Ngọc Trạch; sách in khổ 16x22cm- Sở VHTT&DL Quảng Ngãi xuất bản tháng 10.2016.
“Miền ký ức” – của tác giả Nguyễn Ngọc Trạch; sách in khổ 16x22cm- Sở VHTT&DL Quảng Ngãi xuất bản tháng 10.2016.


Tác giả là người gắn bó với biết bao kỷ niệm về một vùng đất, nơi mà anh hiểu “đến chân tơ kẽ tóc”, hiểu và cảm thông về mảnh đất quê hương còn gian khó, về những giá trị văn hóa dân gian mãi trường tồn cùng năm tháng. Về những bàn tay, khối óc của người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu truyền trong quá trình lao động, dựng xây nên một vùng đất xinh đẹp và trù phú.

Tìm hiểu về một vùng đất, một miền quê trong quá trình tồn sinh của lịch sử là quá trình trải mình với cuộc sống, tác giả đã từng tắm mình ở dòng sông những trưa hè, từng đuổi còng bắt cua, từng bắt cá những ngày biển động. Mảnh đất Tịnh Kỳ cũng là nơi cho tác giả vốn sống, đã được bồi đắp và tích lũy qua nhiều năm tháng gom góp tư liệu, rồi thì điền dã, phỏng vấn những người ngư dân thực thụ gắn bó với mảnh đất này.

Nguyễn Ngọc Trạch là người đi nhiều, hiểu nhiều và anh cũng là người từng nếm trải bao tháng ngày bom rơi, đạn nổ. Chiến tranh giờ đã xa nhưng trong anh vẫn đau đáu những kỷ niệm không nguôi về miền quê yêu dấu. Chúng ta như gặp lại quê mình, nhớ về vùng đất đã từng đi qua trong những trang viết “Đêm trở gió”, “Người du kích năm xưa”, “Chuyện tình ở bến sông”, “Bến sông quê”...

Góp trong “Miền ký ức” còn là những làng nghề vang bóng một thời vào những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là những làng nghề truyền thống do những người nông ngư dân chân lấm tay bùn dãi dầu mưa nắng làm nên. Những sản phẩm truyền thống ấy đã kết tinh nên những bản sắc văn hóa vùng miền. Đó là các nghề lưới tía cá chuồn, nghề lưới chà, nghề đi bóng, mùa cá chuồn khơi, hay nghề khu để...

Trải bao tháng năm, dẫu thời gian có làm mờ đi những kỷ niệm, dẫu cuộc sống nhiều thay đổi, song giá trị và kho tàng văn hóa dân gian ấy, vẫn còn sống động và hiện hữu trong đời sống ở một làng quê yên bình. Đọc “Miền ký ức” còn khiến ta hiểu và thêm yêu một vùng đất, nơi ấy có con đò, cây đa với bến nước sân đình, nơi ấy có hàng dừa xanh ngát với tiếng sóng rì rào suốt đêm ngày.     
           

Bài, ảnh: HUỲNH THẾ

 


.