Lễ hoàn nguyện- Một nét văn hóa đẹp

01:10, 06/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 130km bờ biển là cửa ngõ để ngư dân giong tàu ra khơi. Trong cuộc mưu sinh, trước sóng nước bao vây giữa trùng khơi, ngư dân luôn cầu mong trời yên biển lặng. Vì thế, lễ cầu ngư, lễ hoàn nguyện ra đời để tạ ơn trời đất, tồn tại ở các làng chài như một nét đẹp văn hóa lâu đời.

TIN LIÊN QUAN

Tháng Tám âm lịch! Gió bấc ùa về. Biển động. Tàu thuyền của ngư dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) kéo về bến neo đậu. Phía trong làng chài, bà con tổ chức lễ hoàn nguyện (lễ tạ ơn trời đất, thần Nam Hải) vui như mở hội. Tiếng trống tiểu cổ, đại cổ, nhạc bát âm, văn tế hòa trong tiếng sóng biển rì rầm.

Ông Vũ Huy Bình, kể: “Năm nay, bà con dâng lễ thịnh soạn hơn. Từ sáng sớm, các chủ thuyền đã sắm đủ hương đèn, kim ngân; phù lang, thanh chước, thứ phẩm chi nghi (có hương, vàng bạc, có đèn trà, hoa quả, rượu, có văn tế...). Có cả đầu heo, đôi gà trống, mâm xôi... bày soạn trên các gian thờ.

 

Trước khi tổ chức lễ, các thành viên trong Ban tổ chức ở vạn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đều xem lại các vật dụng
Trước khi tổ chức lễ, các thành viên trong Ban tổ chức ở vạn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đều xem lại các vật dụng


Trong làn khói hương nghi ngút lần lượt các chủ tàu thắp nén hương đứng trước điện thờ thần Nam Hải khấn vái để tỏ lòng biết ơn. Đây là lễ không chỉ tạ ơn thần Nam Hải đã phù hộ cho chủ thuyền đi khơi, về lộng bình yên, mà còn đáp ứng nguyện vọng giúp cho ngư dân làng chài có cuộc sống no đủ, khấm khá nhờ các con tàu ra khơi trở về thuyền đầy cá, tôm.

Với nhiều ngư dân Quảng Ngãi, ngày trước, họ đánh bắt chủ yếu bằng thuyền buồm, khi ra khơi, chiếc thuyền như chiếc lá trước bốn bề sóng nước bao vây. Vì vậy, họ luôn cầu mong gió êm, biển lặng trong những ngày dài lênh đênh trên biển và trở về yên bình. Tục lễ cầu an, hoàn nguyện diễn ra như một nét đẹp văn hóa ở làng chài từ lâu đời.

Lễ cầu an được tổ chức trước khi con tàu ra khơi hành nghề. Chủ tàu sắm lễ vật đến vạn Hải Ninh để khấn vái thần Nam Hải, các bậc tiền hiền và những vong hồn khuất mặt phù hộ độ trì cho họ được bình yên, hoàn thành nguyện ước. Lễ cầu an thường có từ 3 - 4 người.

Chủ vạn chài Lê Khương cùng ông Nguyễn Huy Bình và một vị cao niên trong làng mặc áo dài khăn đóng giúp chủ tàu soạn lễ vật, khấn vái. Khi lễ cầu an kết thúc cũng là lúc chủ tàu nhanh chóng đưa tàu ra khơi.

Như đi thưa, về trình, cứ sau một chuyến biển, một mùa biển làm ăn nơi biển khơi trở về an toàn, ngư dân tiến hành làm lễ hoàn nguyện. Theo ông Bình, lễ hoàn nguyện có nghĩa là hoàn thành, trọn vẹn, đầy đủ theo nguyện ước lúc cầu xin ở lễ cầu an. Lễ này không nhất thiết phải sắm nhiều lễ vật như lễ cầu an, nhưng tùy theo mỗi gia chủ, mỗi chủ tàu thuyền làm ăn được mất trong mùa mà mua sắm.

Năm nay, ngư dân Bình Thạnh làm ăn khấm khá nên lễ vật được chuẩn bị khá chu đáo. Ngư dân đồng loạt chọn ngày rằm tháng Tám âm lịch để tổ chức. Đúng bảy giờ sáng, chủ vạn đã áo dài khăn đóng cùng với chủ tàu lần lượt dâng lễ cúng linh đình. Bà con, họ hàng, làng xóm láng giềng đến dự đông như hội.

Sau lễ hoàn nguyện, nhiều chủ tàu phát lệnh quyên góp để tu sửa vạn chài, giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, con nhà nghèo học giỏi... Nhóm thì ngồi lại họp bàn với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và để chuẩn bị cho một mùa biển mới. Giờ đây ngư dân Bình Thạnh đã sắm được tàu to, thuyền lớn nên sau lễ hoàn nguyện, bà con vẫn neo thuyền dưới bến để khi trời lặng gió là có thể ra lộng đánh bắt, kiếm thêm thu nhập trong mùa biển động. “Bây giờ, chà đứt, tre trôi/ Thuyền chài còn đó, kẻ thôi người làm” là thế.

Tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) lễ hoàn nguyện diễn ra sớm hơn ở các làng chài trong tỉnh. Do đặc thù ngư dân hành nghề lưới chuồn nên đánh bắt theo mùa. Từ tháng Giêng đến tháng Sáu, “còn nam, còn nồm” thì ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa... Khi biển "trở mình", gió bấc thổi về, ngư dân chuyển hướng lùi về phía nam đánh bắt đến tháng Giêng mới kết thúc. Cứ kết thúc một ngư trường và bắt đầu đến một ngư trường mới, chủ tàu lại làm lễ cầu an, lễ hoàn nguyện.

Ông Võ Văn Đình, ở thôn Tân Thạnh, từng tham gia trong ban lễ ở lăng Ông, lăng Bà là người chứng kiến bao cảnh được mùa, mất mùa của bà con làng chài qua các mâm lễ vật. Lễ vật hoàn nguyện năm nay được các chủ tàu dâng lên có đầy đủ sính vật, có gia đình cúng cả con heo quay.

Ông Đình, bảo: “Việc dâng lễ như một nét đẹp văn hóa, hướng về cội nguồn, về tổ tiên, nguồn gốc của người xứ biển. Trước muôn trùng sóng gió, có nhiều bất trắc xảy ra, việc cúng, cầu nguyện và tạ ơn trời đất là để có thêm chỗ dựa, sức mạnh tinh thần khi giong tàu ra khơi".


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN  

 


.