Đề nghị UNESCO công nhận đàn Bầu là di sản thế giới

08:10, 21/10/2016
.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc đề xuất việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn Bầu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Đàn bầu có thể đệm cho hát, ngâm thơ, độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác
Đàn bầu có thể đệm cho hát, ngâm thơ, độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác
 
Tại hội thảo “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”, sáng 21/10, do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã nêu rõ: trên thế giới hiện có hơn 10 loại đàn 1 dây trong đó đàn Bầu Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo bởi chỉ duy nhất loại đàn này phát ra âm thanh là âm bồi, có thể chơi được tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy. 
 
Đây cũng là nhạc cụ duy nhất trên thế giới chỉ với 1 lần kích âm có thể cho 1 âm cơ bản và âm khác có cao độ cao hơn hoặc thấp hơn âm cơ bản ấy tới một quãng 5. Có thể dùng đàn này đệm cho hát, ngâm thơ, độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.
 
Từ năm 1956, đàn Bầu đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
 
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu xác định chính xác thời gian ra đời của đàn Bầu, nhưng có thể nói rằng đây là nhạc cụ bản địa của người Việt, có từ lâu đời, ít nhất từ trước thế kỉ IX.
 
Trong nhiều năm qua đã có nhiều bài viết, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu, đề tài cải tiến nhạc cụ về đàn Bầu, tuy nhiên, để loại đàn này được lưu truyền, phát triển lâu dài, bền vững cần phải: Tổng kết, đánh giá một cách khoa học các vấn đề về lịch sử, ý nghĩa văn hóa, chức năng nghệ thuật... của đàn Bầu; Quy chuẩn hóa, đưa ra tiêu chuẩn đo lường quốc gia với đàn Bầu.
 
Theo Chinhphu.vn

.