Chiến tranh VN và can thiệp của nước lớn qua góc nhìn tướng Công an

08:10, 17/10/2016
.

Ngày 14/10, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Phán xét - Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào?" của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

 

Bìa cuốn sách “Phán xét - Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào?

 

Cuốn sách dày gần 700 trang, gồm 9 phần với 57 chương, với giới hạn thời gian từ năm 1945 - thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu dự tính can thiệp vào Việt Nam thay chân Pháp - cho tới khi “chiến tranh lạnh” kết thúc vào năm 1991.

Trong lời mở đầu của cuốn sách, tác giả Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ: “Chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ, đã là thời gian quá đủ để suy ngẫm toàn diện và đầy đủ nhất lịch sử cuộc chiến tranh. Nhiều vấn đề đã được công khai, nhưng cũng có không ít sự kiện cần phải được nói tới nếu như không muốn nói là đã muộn. Những điều tôi viết trong cuốn sách này là để góp phần thực hiện điều đó, với sự trung thực và khách quan, xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm, cùng bầu nhiệt huyết nhằm đưa ra những phân tích, nhận xét, ngõ hầu cùng mọi người phán xét sự can dự của các nước lớn vào Việt Nam trong chiến tranh”.
 
Tác giả đã sử dụng các sự kiện lịch sử để phân tích, làm rõ sự can dự của Mỹ và các nước lớn vào cuộc chiến tranh Việt Nam, có sự phân khúc về thời gian theo từng giai đoạn có tính chất bước ngoặt của các cuộc chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ XX, để làm rõ nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến ấy, vai trò, mức độ can thiệp của các nước và sự phức tạp của các mối quan hệ giữa các nước lớn…
 
Thông qua suy ngẫm toàn diện và sâu sắc dưới góc nhìn của người đã chứng kiến một phần và nghiên cứu các sự kiện được đề cập, cùng với nguồn tư liệu vô cùng phong phú trong và ngoài nước, tác giả đã mang đến cho người đọc những chuỗi sự kiện hấp dẫn, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong lịch sử cũng như những vấn đề đã và đang diễn ra.
 
Phần cuối của sách, tác giả cũng đưa ra một số lưu ý về những nguy cơ và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trước mắt và lâu dài, những bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử và những hướng cân nhắc, xử lý chiến lược các mối quan hệ với thế giới, đặc biệt là với các nước lớn và các quốc gia có liên quan khác, để tận dụng được thời cơ và giảm thiểu thách thức theo nguyên tắc: Giá trị quốc gia phải là ưu tiên hàng đầu, trong đó độc lập, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là giá trị tối thượng, vĩnh cửu, bất di bất dịch.
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cuốn sách là một công trình rất quý giá, dựa trên cơ sở tư liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà báo; tài liệu của các nhà nước: Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp…; hồi ký của các nhân vật cấp cao của Hoa Kỳ – những người đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, tác giả đã tham khảo khối lượng lớn tài liệu chiến tranh: “Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam”; Cơ quan tình báo CIA; tài liệu của tàn quân Pol Pot; tài liệu lưu trữ cùng lời tự thuật của các nhân vật cấp cao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND khẳng định, cuốn sách “Phán xét – Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào?" cần được sử dụng làm tài liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập cho cán bộ chiến sĩ, học viên, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong lực lượng CAND và độc giả cả nước.
 
Hồng Vân/Chinhphu.vn

.