Vật quý không giữ riêng mình

11:09, 17/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những nông cụ có tuổi trên trăm năm, từng là phương tiện nuôi sống bao đời, giờ trở thành bảo bối của gia đình. Nhưng với ông Nguyễn Vì ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) không vì thế mà giữ cho riêng mình, ông đã tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để khách tham quan hiểu hơn giá trị lao động của cha ông một thời...

Những nông cụ mà ông Vì đã  hiến tặng là bộ che ép mía, cối xay lúa, bồ tuốt lúa... Những hiện vật này đã gắn liền với bao kỷ niệm buồn vui, đói no một thời của nhiều người, trong đó có ông, mà cho đến bây giờ ông vẫn không thể quên...

Ký ức mùi đường non  

Gió heo may về, cũng là mùa thu hoạch mía trên đồng. Ông Vì nhớ mùi mía đường non năm xưa, nên lấy xe chạy hơn 15km ra Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để xem lại dụng cụ che ép mía, một nông cụ gắn liền với tuổi thơ ông, được ông nội ông để lại.

Ngày đó, trên vùng đất quê ông, nước Thạch Nham chưa về, đồng khô khốc, nên nông dân chỉ biết trồng mía để sinh sống. Vì vậy, trên khắp các cánh đồng trải dài từ đồi An Đại xuống chân đường ray xe lửa phủ xanh một màu mía. Cứ đến tháng Tám (âm lịch) sau những đợt nắng gắt, mía chín rộ trên đồng là bà con bắt đầu dựng che, kêu người đốn, ép mía. Mùi nước chè hai, đường non  ngào ngạt tỏa đi khắp các làng quê, trở thành mùi quen thuộc của bao lớp trẻ. Làng trên, xóm dưới tấp nập người gánh mía đến ép, người đến ngã giá mua đường. Những muỗng đường chưa kịp ráo mật được thương lái ở các vùng Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng đến gánh về xuất bán đi khắp các nơi.

Bộ che ép mía hơn 120 tuổi ông Vì hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Bộ che ép mía hơn 120 tuổi ông Vì hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.


Ngày xưa, Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi sản xuất đường mía, nhưng tất cả đều làm bằng thủ công, nhờ bộ che ép mía. Bộ che tuy đơn giản, nhưng phải có đầy đủ 3 trục hình trụ tròn được đặt liền kề nhau (gồm một trục cái và hai trục con), bao quanh phần trên của mỗi trục là các nhông. Phía trên các trục đặt một thanh gỗ hình tròn để giữ cố định các ống che và để buộc ách vào đôi bò mộng kéo đi. Trong quá trình kéo thì 3 trục tròn quay đều ép mía. Phần dưới các trục có khây đựng nước. Người ta lấy nước cho vào các chảo nấu thành đường.

Các trục che chủ yếu được làm bằng gỗ quý lâu năm như lim, kiềng kiềng, ké... nên rất tốn kém. Vì vậy, người dựng được bộ che phải thuộc dạng giàu có trong làng. Nhà ông Vì cũng dựng được bộ che ép mía cho cả làng. Vì vậy, tuổi thơ ông gắn liền với những mùa mía chín, với bao buồn vui, rộn ràng xoay quanh bộ che.

Bây giờ, trên những cánh đồng An Đại này, nước Thạch Nham đã về, nông dân trồng những loại cây có kinh tế hơn, nên những cánh đồng mía xanh bạt ngàn một thời cứ thu hẹp dần. Theo năm tháng, các công nghệ sản xuất mía đường phát triển, nên những bộ che ép mía trở thành "cổ vật".

Giờ đây, đi trên khắp các cánh đồng quê vẫn bắt gặp đâu đó những ruộng mía xanh ngắt, những bông mía trắng phau phất phơ trong gió, báo hiệu đã đến ngày thu hoạch. Nhưng cái cảm giác được đi trên những con đường làng trải đầy bã mía, hít hà không khí thơm ngát mùi đường non trong mùa ép mía không còn nữa. Lớp trẻ bây giờ cũng hầu như không biết che ép mía là gì... Ông Vì quyết định đem bộ che trên 120 năm tuổi, bảo vật của gia đình tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhằm để khách tham quan hiểu hơn một thời cha ông đã dùng loại nông cụ này chế biến mía thành đường.

Nhớ thời “xay lúa khỏi ôm em”

Như cái duyên đến với nghề sưu tầm nông cụ, kể từ ngày ông Vì cống hiến bộ che mía ép đường cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trong tâm trí ông luôn thôi thúc cần phải đi tìm các loại nông cụ gắn liền với cha ông một thời. Hơn 8 năm qua, ông đã lặn lội đi khắp nơi để sưu tầm. Lúc thì lên núi, lúc vào Bồng Sơn (Bình Định), lúc ra Núi Thành (Quảng Nam), rồi ông cũng đã sưu tầm được chiếc cối xay lúa, bồ đập lúa và nhiều vật dụng khác có giá trị trên trăm năm tuổi.

Với ông chiếc cối xay lúa và bồ đập lúa cũng có giá trị và ý nghĩa như bộ che ép mía, nên ông đã quyết định tặng cho Bảo tàng, chứ không bán như các vật dụng cổ khác. Ông bảo, như chiếc bồ đập lúa trông đơn giản, nhưng có thể thay thế bao công lao động của người miền quê thuở đó. Chiếc bồ chỉ được làm bằng tre, nhưng nhờ kinh nghiệm của người già biết chẻ tre, đan phênh, uốn thành hình bầu dục để đựng lúa, phía bên trong có gắn giàn thanh tre đan ngang dọc, nên khi đập nắm lúa xuống sàn thì bông lúa dễ rụng. Vì vậy, bà con có thể gặt hết đồng này, sang đồng khác.

Cùng với bộ ba nông cụ giải quyết công lao động của nông dân một thời, còn có chiếc cối xay lúa, đưa tay quay chiếc cối xay được trưng ở một góc Bảo tàng tỉnh, ông Vì bảo: Hồi đó, chiếc cối xay này có giá trị vô cùng. Nhờ nó mà nhiều gia đình đã biến lúa thành gạo để nấu cơm ngay trong ngày.

Ngày đó, loại nông cụ này chủ yếu cũng được làm bằng tre già, nhưng người làm phải nắm thuần thục từng chi tiết kỹ thuật. Ngoài chọn cây tre già, chẻ thành nan đem ngâm nước, sau 1 tháng thì vớt các nan tre lên, sắp xếp ngay ngắn rồi dùng cật tre vo lại tạo thành khối tròn, tùy theo kích cỡ người dùng. Bên dưới là cối đá được đục đẽo thành mặt nhẵn vừa vặn với khối tre. Sau khi hoàn thiện các chi tiết thì khối tre và cối đá được đặt lên nhau, tạo thành điểm gờ quay rất nhẹ. Vì thế, bất kỳ trẻ em nào cũng có thể xay lúa được. Những nhà đông con, công việc bề bộn, nên các em thường phân nhau, nếu “xay lúa thì khỏi ôm em”. Các trò chơi, những câu đố như: “Đùng đùng gió chạy mưa bay. Nắm tay giật lại đố bay cái gì” xoay quanh chuyện xay lúa cũng diễn ra hằng ngày...  
     

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.