Khơi dậy niềm đam mê sáng tác

12:09, 03/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhiều tác phẩm thơ văn, hội họa, điêu khắc của văn nghệ sĩ ở Quảng Ngãi đã đạt giải cao trong các kỳ thi khu vực, quốc gia, để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả. Đây là một sự cố gắng lớn của những hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh.

Quảng Ngãi có 276 hội viên Hội VHNT tỉnh, trong đó có hơn 75 hội viên tham gia sáng tác văn học nghệ thuật. Những tác phẩm của hội viên đến với công chúng chủ yếu thông qua các tạp chí Sông Trà, tạp chí Cẩm Thành, Báo Quảng Ngãi, Đài PTTH tỉnh...; chưa đủ "đất" để truyền tải, quảng bá những tác phẩm thơ, văn.

Tác phẩm “Nhủi hến trên sông Trà” của Tấn Cư được trưng bày tại triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam lần thứ 8 (VN-15) tại Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tấn Cư
Tác phẩm “Nhủi hến trên sông Trà” của Tấn Cư được trưng bày tại triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam lần thứ 8 (VN-15) tại Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tấn Cư


Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Chuyên đề và Khoa giáo (Đài PT-TH tỉnh) cho rằng: “Sân chơi” dành cho tác phẩm văn học nghệ thuật là vô bờ. Bởi một tác phẩm thơ, truyện ngắn, điêu khắc hay hội họa hay đều có “đất” để sống. Nó không chỉ trong tỉnh mà có thể bứt phá triển lãm, trưng bày ở các cuộc thi, đứng chân trên các ấn phẩm, báo chí trong cả nước.

“Một tác phẩm văn học ra đời không giống như ca nhạc mà cần đến âm thanh, sân khấu và càng không giống tác phẩm ảnh, báo chí phản ánh tức thời sự kiện... mà nó có tính độc lập khá cao. Bởi trong quá trình sáng tác, người viết phải có sự trải nghiệm, thai nghén, phản ánh cuộc sống thông qua lăng kính chủ quan của tác giả... Vì vậy, tác phẩm hay nó sẽ tồn tại mãi theo năm tháng và có thể đứng bất kỳ nơi đâu”, anh Tuấn khẳng định.
 

Trong 7 năm trở lại đây, Quảng Ngãi có khoảng 60 tác giả đạt giải cấp khu vực và toàn quốc. Có thể kể đến các tác giả đạt giải cao trong khu vực và toàn quốc những năm gần đây là nhà thơ Thanh Thảo, Phạm Đương; lĩnh vực điêu khắc có Hồ Thu, Bùi Nam, Nguyễn Tài Đạt; lĩnh vực hội họa có Nguyễn Thanh Tùng; nhạc sĩ có Trần Xuân Tiên, Nguyễn Văn Phượng, Đinh Thiên Vương...

Tham gia sáng tác truyện ngắn, bút ký gần 10 năm nay, anh Tuấn cho ra đời gần 20 truyện ngắn, phản ánh sinh động, nhiều góc cạnh của những thân phận con người trước cuộc sống thực tại. Tác phẩm của anh không phải viết theo đơn đặt hàng, mà viết để giải tỏa những ray rứt trong lòng trước những nhân vật cụ thể.

Anh đã có hơn 10 truyện ngắn đăng trên các ấn phẩm, báo chí trong nước và đã xuất bản được Tập truyện ngắn “Gái ly dị”, với hơn 500 bản. Cũng theo anh Tuấn, “sân chơi” cho giới VHNT không thiếu, cái quan trọng ở đây là sự nghiêm túc của người sáng tác và sự kích thích, dìu dắt, nâng đỡ, động viên kịp thời của những người đi trước, tạo môi trường thuận lợi cho hội viên thể hiện.

Còn ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thì cho rằng, lĩnh vực nào cũng vậy, trong lĩnh vực văn học, hội họa, điêu khắc hay văn hóa... cũng đòi hỏi người sáng tác phải có năng lực. Nếu như tác phẩm hay, bài nghiên cứu văn hóa có chiều sâu xuất sắc, thì không chỉ nằm trong khuôn khổ trong tỉnh mà có thể bứt phá ra ngoài tỉnh là điều đương nhiên.

Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa, tác phẩm của ông Chư không chỉ in ở Tạp chí Cẩm Thành, mà còn được phổ biến trên các tạp chí văn hóa Trung ương. Cuốn "Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor" của ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trưng dụng.

Tác phẩm điêu khắc “Khúc ru” chất liệu đá, đặt tại bờ sông Hương- TP. Huế (năm 2000) của nhà điêu khắc Bùi Nam.                   Ảnh: T.L
Tác phẩm điêu khắc “Khúc ru” chất liệu đá, đặt tại bờ sông Hương- TP. Huế (năm 2000) của nhà điêu khắc Bùi Nam. Ảnh: T.L


Ông Lê Văn Sơn – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết thêm, "sân chơi" cho loại hình VHNT khá phong phú. Với 276 hội viên đều đang hoạt động ở các chi hội văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, chi hội văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian...

Hằng năm, Hội tổ chức ngày thơ Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, tổ chức sáng tác âm nhạc, tổ chức nhiều đợt đi thực tế sáng tác ảnh... Qua đó, đã kích thích, khơi dậy niềm đam mê của các hội viên. Nhiều tác phẩm ảnh, hội họa, điêu khắc, văn học, thơ... đã tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc đạt giải cao.

Các hội viên, văn nghệ sĩ thuộc Hội VHNT tỉnh đa phần làm nghề tự do. Họ sáng tác theo nhu cầu của bản thân, chưa sáng tác theo đơn đặt hàng. Biết rằng, sáng tác VHNT là tự tác giả khẳng định tác phẩm để nuôi sống bản thân, nhưng Quảng Ngãi chưa có điều kiện, nên chưa kích thích giới văn nghệ sĩ thể hiện.

Trong khi đó, để sáng tác một tác phẩm VHNT tốn khá nhiều thời gian, chi phí. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần, để giúp các hội viên sáng tác, để thỏa mãn lòng đam mê và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

TRƯỜNG AN



 


.