Chưa "Quên" và mãi "Nhớ" trong thơ Hồng Hà

08:09, 25/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ký ức là cái gì đó vừa gần, vừa xa. Đối với Lê Hồng Hà, ký ức cũng gần như vậy! Tôi biết và thân nhau với anh cũng đã khá lâu, dòng thời gian cứ vùn vụt trôi qua, mới đó mà anh sắp sửa trả lại những vui buồn trong quá trình công tác, để về với nàng Thơ.
 

Tình cờ tôi đọc một số bài thơ của anh đăng trên tạp chí văn nghệ địa phương với bút danh “Hồng Hà”, tên con sông lớn chảy qua thủ đô Hà Nội. Tôi hỏi anh, anh chỉ cười và nói đó là tên bố mẹ đặt cho, có thể bố mẹ anh ngưỡng vọng dòng sông Hồng đục ngầu phù sa mùa nước lớn, mong con trai lớn lên mạnh mẽ, cuồn cuộn vươn lên! Anh theo mẹ tập kết ra Bắc, mẹ anh với đứa con còn ẵm bồng qua chặng đường gian nan các tỉnh thành, sau đó vài năm, anh và mẹ mới gặp mặt được bố.

Vậy là số phận cuộc đời của anh gắn với “dòng sông”, sông Hồng và sau này có thời gian anh đi học phổ thông bên con sông Chu (Thanh Hóa) thơ mộng: “Có dòng sông Chu thao thiết mãi đến giờ/ Vẫn tuôn chảy giữa lòng em đến bến bờ bất tận” (Trong em)! Mặc dù nơi anh sinh ra và trưởng thành là quê hương Núi Ấn - Sông Trà.

Tập thơ “Quên và Nhớ” của tác giả Hồng Hà (do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 9.2016), không quá nhiều bài thơ trong tập thơ, trọn cuộc đời anh gói ghém cảm xúc của mình vào đấy! Tính anh là vậy, “Nhớ” thì viết ra... để đó... rồi sau đó “Quên” mất. Nhiều bài thơ từ thời trai trẻ, sinh viên, công tác Đoàn... đến nay thất lạc không còn tìm thấy, thậm chí có cả bài đã đăng trên báo, tạp chí văn nghệ. Anh nghĩ rất “đơn giản”, thơ chỉ là cuộc vui chơi chưa có hồi kết, nên anh không có ý thức lưu giữ.

Nhớ những ngày đầu tiên lần tiếp xúc với anh, có lẽ phong cách “Đoàn” vẫn còn thể hiện nên anh khá vui tính, cởi mở, hoạt ngôn... sống hết mình cho đồng chí, đồng nghiệp. Một câu nói tếu táo của anh mà tôi còn nhớ mãi, anh ví von về chuyện đẩu đâu, những hệ lụy của dòng chảy cuộc đời là “giữa trời bao la”, cái tự dưng đem lại phiền muộn cho mình!? Thôi thì anh cố “quên”, nhưng càng quên anh lại càng “nhớ” và những bài thơ anh ghi lại như dòng nhật ký cuộc đời mình: “Ngẫm cuộc đời - Danh lợi với hư vô/ Còn đọng cái Quên - Mà suốt đời phải Nhớ” (Quên và Nhớ).

Đọc hết tập thơ “Quên và Nhớ” của tác giả Hồng Hà, như có điều gì đó cứ day dứt, ám ảnh tôi. Một dòng sông Chu xanh biếc đôi bờ: “Chẳng oán giận - Dòng sông Chu chảy suốt/ Bến bờ xưa - Con thuyền đã xa khơi...” (Quên và Nhớ) nơi gần thượng nguồn sông Mã, một bến sông mà anh từng đợi từng chờ, một tình yêu “sông” vô bờ bến: “Dòng sông quê uốn mình như thêu dệt/ Bức tranh đôi bờ... thương nhớ cánh đồng xưa” (Màu nhớ).

Từ lâu rồi, anh trở về sinh sống bên dòng sông Trà, con sông quê hương nơi anh sinh ra: “Lòng ta ấm cùng ai miền thương nhớ/ Trà Giang ơi! Lòng ta lại xuôi về...” (Cảm nhận xuân). Vâng! Vậy là ai rồi cũng phải trở về với mái ấm thân thương, quê hương yêu dấu của mình. Anh Lê Hồng Hà khi cố “Quên” thì lại “Nhớ”, nó cứ đan xen hòa quyện vào nhau: “Nước mắt vào trong, lòng thắt lại/ Có một thời thương nhớ lệ tràn mi...” (Phải chăng).

Tập thơ khép lại, có lẽ bạn yêu thơ vẫn còn nuối tiếc giá như tập thơ nhiều bài hơn, dày hơn tí nữa. Nhưng tính cách anh là như vậy! Vẫn lãng tử, cứ mãi phiêu lãng qua những bài thơ của mình dù chỉ là số ít, như chính lời tâm sự của anh: “Ai xuôi vạn lý cho mình gửi/ Một chút tình ta, một chút Xuân!” (Tình xuân).
     

HỒ NGHĨA PHƯƠNG


 


.