Chiếc nong của mẹ

02:09, 25/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc nong, nia là vật dụng đi liền với nhà nông từ thuở xa xưa, từ thời: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần sàng. Đất nước có từ ngày đó” (Nguyễn Khoa Điềm). Ngày đó, đi khắp các làng quê đâu đâu cũng chỉ thấy nhà tranh, sân đất.

Hạt lúa đưa về trong mùa tháng Tám (âm lịch), người mẹ liền lăn nong ra sân phơi. Những chiếc nong tròn xoe được trải lúa nối liền nhau từng hàng óng ánh trong nắng vàng mùa thu trông như những tác phẩm nghệ thuật. Cứ 5 - 10 phút, người mẹ lại khòm lưng lấy tay quay lúa cho đều. Chốc lát, mây giăng kín bầu trời, mẹ kêu í ới, hàng xóm liền chạy đến, bọn nhỏ quê tôi dù chơi đùa dở dang cũng phải dừng lại, “ba chân bốn cẳng” chạy về hì hục kéo nong xếp chồng lên nhau cùng mẹ khiêng vào nhà.

Thế rồi, chòm mây đi qua, ánh nắng xuyên qua hiên nhà, mẹ tiếc rẻ ánh nắng hiếm hoi cuối ngày, nên bọn nhỏ chúng tôi lại cùng mẹ kéo nong ra sân hong lúa trở lại. Cứ thế, chiếc nong gắn liền với đời mẹ, với tuổi thơ và với bao mùa vàng mà vẫn còn nguyên vẹn nằm trên gác bếp sau mỗi mùa phơi lúa.

 Chiếc nong tre một thuở gắn liền với nhà nông.
Chiếc nong tre một thuở gắn liền với nhà nông.


Chiếc nong ngày đó bền chắc là nhờ được đan bằng nan tre. Người có đủ tay nghề mới đan được chiếc nong tròn trịa và bền chắc. Muốn đan được chiếc nong như thế trước hết phải biết chọn tre đủ tuổi, chẻ vót nan tre rồi phơi hong trên giàn bếp cả năm. Khi lấy xuống vót, cật tre ánh lên màu cánh gián bóng loáng là biết nan tre sẽ chắc bền... Vì thế, mỗi chiếc nong đan hình thành, tròn trịa trông như một tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay khéo léo của người nông dân tay lấm chân bùn...

Sau khi làm tròn sứ mệnh trong mùa vàng, những chiếc nong được gõ sạch lúa để tránh chuột cắn phá rồi xếp chồng gác lên giàn bếp hay được dựng bên hiên nhà để chờ mùa lúa, mùa bắp năm sau. Những đêm trăng thanh, bọn nhỏ chúng tôi liền lăn ra sân nằm ngắm sao trăng rồi đếm: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao”. Những giải ngân hà vắt ngang trời xanh, những câu chuyện làm người từ thuở xa xưa được ông bà kể lại, chúng tôi hiểu hơn từ đó.

Theo năm tháng cuộc sống dần khấm khá hơn, nhiều nhà đã xây dựng kiên cố, nền sân cũng được tráng xi măng. Hạt lúa đưa về nằm lăn tròn ra sân và nhanh chóng khô ráo. Chiếc nong của mẹ được gác trên giàn bếp lâu ngày trở thành vật kỷ niệm của gia đình. Nhiều gia đình không còn giàn bếp, chiếc nong hư hỏng và lùi về quá khứ.  

Giờ đây, giữa mùa lúa tháng Tám, đi quanh vùng ven đô thị cũng bắt gặp từng dãy nong phơi lúa bên vỉa hè, lòng tôi nôn nao nhớ về những mùa vàng xưa, nhớ người mẹ cùng những chiếc nong đong đầy kỷ niệm ở một thuở chưa xa...


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.