Du lịch tâm linh

04:08, 09/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi vừa đi Châu Đốc dự hội thảo về Ngài Lê Đại Cang - Tổng đốc An-Hà đầu tiên thời nhà Nguyễn, một người có công rất lớn với vùng đất phên dậu này của đất nước. Thành phố Châu Đốc chỉ cách biên giới Việt Nam - Campuchia ngót 30 cây số, và là một thành phố nhỏ hết sức an bình.

Dân cư thành phố Châu Đốc chỉ có 120 nghìn người, gồm 4 dân tộc: Việt, Khơ Me, Chăm, Trung Hoa. Một thành phố nhỏ, nhưng mỗi năm đón tới 4 triệu du khách - một con số khiến tôi vô cùng ấn tượng. Con số du khách ấy là mơ ước của rất nhiều thành phố lớn hơn Châu Đốc trong cả nước.

Châu Đốc có nhiều điểm du lịch lịch sử, văn hóa, nhiều món ăn rất độc đáo, nhưng để có 4 triệu du khách hằng năm tới nơi này, thì Châu Đốc phải có sự đặc biệt nào đó. Sự đặc biệt ấy chính là đền thờ Bà Chúa Xứ tọa lạc ngay dưới chân núi Sam. Một ngôi đền giản dị nhưng cực kỳ uy nghi, toát ra một không khí linh thiêng kỳ lạ có thể cảm nhận rõ khi ta bước vào đền.

Chính niềm tin của hàng triệu khách hành hương mỗi năm đã tạo nên cái không khí linh thiêng và gần gũi này. Bởi những lời cầu xin của khách hành hương thường rất bình dị và như một số bạn bè đã từng viếng ngôi đền trước tôi kể lại, thì nhiều nguyện ước của họ bày tỏ với Bà Chúa Xứ đều được thỏa nguyện.

Sự linh thiêng - bình dị đã tạo cho ngôi đền một khả năng cuốn hút tâm linh nào đó, mà những ai đã tới viếng một lần đều cảm nhận rõ. Chỉ như thế thôi, cũng đủ cho Châu Đốc mỗi năm có 4 triệu lượt khách du lịch và người dân thành phố này chủ yếu làm những dịch vụ nhằm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Tôi đã lướt qua ẩm thực Châu Đốc và phải công nhận, người dân ở đây thật hiền lành, những món ăn ở đây vừa ngon vừa lạ và đặc biệt là giá cả cực mềm, tới mức tôi không dám tin khi đưa tiền ra trả. Vì so với Quảng Ngãi mình, thì giá cả ở Châu Đốc là quá rẻ. Đó cũng là điều mà Quảng Ngãi cần hết sức quan tâm, một khi muốn làm du lịch và thu hút khách.

Nếu mình nấu ăn dở mà lại “chặt đẹp” khách, thì làm sao níu được chân họ? Từ Châu Đốc, có thể nhìn về những điểm có thể trở thành những điểm “du lịch tâm linh” ở Quảng Ngãi, như núi Ấn, chùa Ông, chùa Thình Thình, Khu chứng tích Sơn Mỹ hay đền thờ Trương Định...

Với những điểm du lịch tâm linh này, nếu biết tôn tạo và tổ chức, sẽ thu hút được khách thập phương. Cùng với nó, phải là những điểm du lịch văn hóa khác và những món ăn đặc vị Quảng Ngãi có thể làm du khách thích thú. Cái này thì không phải chính quyền làm, mà chỉ có dân mới làm được.

Chỉ có dân sở tại mới có thể đưa tới cho du khách những món ăn ngon và khác biệt của quê mình. Cũng chỉ có dân sở tại mới khiến những điểm du lịch tâm linh có được một không khí linh thiêng và thu hút, bằng chính văn hóa tâm linh của mình. Một văn hóa vừa đậm chất lịch sử, vừa lan tỏa sự văn minh.

Tôi đã tìm hiểu và biết, mỗi năm ở đền thờ Bà Chúa Xứ - Châu Đốc ban quản trị thu được hàng trăm tỉ đồng từ sự cúng dường của khách hành hương. Toàn bộ số tiền ấy đều được công khai minh bạch và đều được dùng cho các công việc từ thiện - xã hội.

Đó chính là sự thu hút của văn minh, nhân ái và lòng quảng đại của người Việt. Hãy nghĩ tới điều đó, trước khi muốn xây dựng một công trình mang tính văn hóa - tâm linh nào.       

Thanh Thảo


 


.