Tình yêu tuổi học trò trong thơ Vũ Quang

10:07, 04/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi biết Vũ Quang do một người bạn thơ giới thiệu, thế rồi qua những lần giao lưu trò chuyện chúng tôi lại quen thân với nhau. Anh là đại tá đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Những lần tâm sự, tôi nhận được trong “mắt anh” về tình cảm sâu lắng của anh đối với bạn bè và đối với thơ. Vừa rồi, anh có ký tặng tôi tập thơ “Em đã thấy gì trong mắt anh” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 12 năm 2015.

Như một điều mong muốn đối với người đọc có sự cảm thông chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời, ta bắt gặp những câu thơ của anh lan tỏa tận tâm hồn, tỏa ra từ cuộc sống mà Vũ Quang chắt lọc thành thơ: “Em đã thấy gì trong mắt anh/ Mây trôi bảng lảng mộng yên bình/ Đã qua hơn nửa mùa chinh chiến/ Dòng suối ngày xưa vẫn ngọt lành” (Em đã thấy gì trong mắt anh).  

Đọc thơ Vũ Quang tuổi học trò như hiện về trong tâm trí của mỗi người trong chúng ta. Cái tuổi thần tiên ấy, luôn vui tươi hồn nhiên tuôn trào như ánh trăng vùng biển Phổ Quang (Đức Phổ) của anh; nuôi dưỡng tâm hồn anh, để anh có những câu thơ thật hay khi viết về  tình yêu tuổi học trò đầy thơ mộng. “Chợt một bữa thấy tóc em xinh quá/ Anh tiện tay làm họa sĩ trên bàn/ Thầy tóm được bắt chép liền câu hứa/ “Không bao giờ vẽ bậy” – năm trang” (Mái tóc em ngày đó).

Tình yêu tuổi học trò cũng là tình yêu đầu của anh, được anh thể hiện theo chiều dài của tác phẩm. Ta thử lắng nghe anh tâm sự qua dòng hồi ức: “Em học lớp G, anh lớp H/ Cách nhau chỉ một bức tường vôi/ Lớp anh toàn các trai vùng biển/ Lớp em toàn gái dân thị trấn/ Tiểu thư đài các nhất trong trường” (Lớp G lớp H).

Tình yêu tuổi học trò để lại trong anh bao nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy lắng chìm sâu đậm khi anh còn đi học và anh bộc lộ: “Có hôm buổi học em vờ nghỉ/ Anh đợi bao lâu nhớ ngẩn người” (Bâng khuâng). Thời gian trôi qua, sự nhớ nhung cũng nguội dần, người yêu của anh ở nhà đã bước sang ngang, vì tuổi thời con gái không thể đợi anh lâu hơn nữa. Anh đã có sự cảm thông. Tuy vậy trong lòng anh vẫn có cái gì nuối tiếc cho mối tình đầu ấy – mối tình ở tuổi còn rụt rè bỡ ngỡ không dám nói thành lời. Điều ấy, anh thể hiện trong bài “Nghe em lấy chồng” với tâm trạng xót xa: “Em đi rồi và đi đã bao lâu/ Như ngày tháng tôi đi vào cuộc chiến/ Ôi tình yêu bỗng cuối cùng tan biến/ Đời như quên và tình cũng như quên”.

Trường cũ, tình xưa như nỗi niềm ám ảnh thơ của Vũ Quang. Anh nhiều lần trở về trường cũ để tìm một chút gì để nhớ, để thương của tuổi học trò, nhưng rồi anh thấy cảnh vật ngày xưa đã thay đổi và trong tâm hồn anh lại trĩu nặng yêu thương. “Lá vẫn vàng rơi thu đã phai/ Trường xưa rêu phủ tuổi trang đài/ Mười năm hoa rụng đầy sân vắng/ Ai đã về đây nhặt tháng ngày” (Lá vàng vẫn rơi).

Đứng trước cảnh cũ, trường xưa cuối cùng anh có cái gì một chút bâng khuâng do dự để rồi anh thốt lên trong ngậm ngùi thương nhớ: “Ta xin lại một nụ hôn già cỗi/ Đã trao em trong giây phút ngập ngừng/ Nụ hôn đó đã qua thời hoa lửa/ Chút nồng nàn còn sót giữa môi xinh” (Ta xin lại).

Đọc tập thơ “Em đã thấy gì trong mắt anh” của Vũ Quang còn bao điều ta cảm nhận nữa. Tôi chỉ đi vào một khía cạnh trong tâm hồn của tác giả. Đó là tình yêu tuổi học trò được anh thể hiện trong tập thơ này.
                
Hà Quảng
 

.