Xa dần những bộ phim trẻ thơ

01:06, 25/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phim ảnh là loại hình nghệ thuật vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục, góp phần hình thành nhân cách con người. Thế nhưng, ở Quảng Ngãi phim chiếu trong rạp hay chiếu lưu động hoặc trên màn ảnh nhỏ dành cho trẻ thơ không nhiều...
 
Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng tinh khôi. Các em rất dễ bị tác động từ môi trường văn hóa "ô tạp", nào là phim đen, games online, mạng xã hội... tràn lan. Phim nào dành cho trẻ thơ trong ngày hè là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh luôn đặt ra? Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 6, Trường THCS Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ: “Hè về, con chỉ được xem phim “Tây du ký”, hoạt hình. Nhưng xem hoài cũng chán. Con thích những bộ phim mà ở đó có những bạn cùng trang lứa của con, để biết các bạn làm gì, nghĩ gì và vui đùa thế nào. Nhưng chẳng thấy...”.

Hè về, trẻ em vùng nông thôn khát những sân chơi lành mạnh, những bộ phim gần gũi với tuổi thơ.
Hè về, trẻ em vùng nông thôn khát những sân chơi lành mạnh, những bộ phim gần gũi với tuổi thơ.


Kinh tế-xã hội đang ngày một phát triển, nhiều luồng văn hóa đã và đang tác động đến trẻ em. Nhiều trẻ thơ như già trước tuổi, “ngột ngạt” trước những lời dạy bảo nặng tính triết lý, giáo điều của phụ huynh. Nhu cầu cần có những thước phim về trẻ thơ ở các làng quê, hay những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, sống động, tươi vui, hồn nhiên hay tình cảm trong veo của tuổi mới lớn là cần thiết.
 

“Chúng tôi rất muốn chiếu và phát hành phim cho các Đội lưu động để chiếu những bộ phim giàu tính nhân văn cho trẻ em miền núi, hải đảo trong dịp hè này, nhưng nguồn phim không có nhiều”.
Ông Huỳnh Đức Tùng- Giám đốc Trung tâm,  phát hành phim và chiếu bóng Quảng Ngãi

Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà kịch bản được hình thành từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Nhật Ánh phát hành đã “đánh” đúng tâm lý của trẻ em tuổi đang lớn. Mặc dù, phim lấy bối cảnh từ làng quê nghèo miền Nam Trung Bộ vào thời điểm cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, nhưng cách dẫn chuyện kể về tuổi ấu thơ của hai anh em Thiều – Tường cùng một bé gái tên Mận đã khắc họa cuộc sống, suy nghĩ của trẻ em vùng nông thôn, đã thu hút rất nhiều khán giả, kể cả thế hệ 8X.

Phim được xây dựng tính cách hai nhân vật nhí Thiều và Tường hoàn toàn trái ngược nhau. Người anh nhút nhát, ganh đua, người em dạn dĩ, hiền hòa. Tính cách này được tác giả xây dựng đan xen từ những mẩu chuyện nhỏ, mắc xích vo tròn thành tính cách của trẻ thơ đang lớn. Một câu chuyện cổ tích mơ mộng về cóc tía và công chúa, một nỗi sợ hãi về những câu chuyện ma đến mức không dám ngủ hay như sự ganh tỵ trong veo về tình cảm đầu đời của tuổi mới lớn đã lay động tâm hồn các em lẫn người lớn. Ở đó còn có cả những trò chơi dân gian quen thuộc của tuổi thơ như bắn bi, nhảy dây, hay thả diều trên những triền đê lộng gió, niềm hạnh phúc khi mót được những củ khoai lang còn xót lại sau mùa thu hoạch, hay những mơ ước ngây ngô về cuộc sống khá hơn thực tại. Những câu chuyện ấy đã gợi cho nhiều người nhớ về miền ký ức tuổi thơ khó quên. Một tuổi thơ êm đềm đã nuôi lớn những khát vọng trong mỗi chúng ta.

Bộ phim
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được trình chiếu vào đầu tháng 3 vừa qua thu hút khán giả là thiếu nhi và trẻ vị thành niên đến rạp Hòa Bình (TP.Quảng Ngãi) tăng gấp 3 lần so với bình thường. ảnh: INTERNET


Hay những kiểu phim The Way Home đến từ Hàn Quốc. Phim kể về cậu bé thành thị Sang Woo về ở với bà ngoại nơi vùng quê hẻo lánh. Cuộc sống trái ngược giữa thành thị và vùng quê đã làm cậu bé bộc lộ vô vàn tính xấu đối với người bà của mình. Trong khi bà bị câm nên chỉ thể hiện bằng cử chỉ, khi vỡ lẽ mọi việc thì cậu bé vô cùng hối hận và sửa sai. Phim đã chuyển đi thông điệp hãy trân trọng, yêu thương những tình cảm quý giá đang dành cho mình. Những bộ phim mang tính giáo dục, nhân cách sống, cách ứng xử... như thế đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, hình thành nhân cách sống cao đẹp cho các em.

Ông Huỳnh Đức Tùng - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Quảng Ngãi cho hay: Khó khăn lắm chúng tôi mới thuê được phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Phim được trình chiếu vào đầu tháng 3 vừa qua. Lượng khách (chủ yếu là thiếu nhi và trẻ vị thành niên) đến rạp tăng gấp 3 lần so với những đêm chiếu phim hành động, tình cảm. Lâu lắm rồi rạp phim mới “nóng” trở lại như vậy. Trong dịp hè này, Trung tâm rất muốn chiếu lại bộ phim này, hoặc những bộ phim tương tự như thế để phục vụ khách là học sinh, nhưng một phần vì không có phim hay, phần thiếu kinh phí để thuê những phim vừa mới ra “lò” có sức hút như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà rạp chiếu bóng Hòa Bình (TP.Quảng Ngãi) lẫn đội chiếu phim lưu động cho 6 huyện miền núi và hải đảo hiếm khi chiếu phim trẻ thơ trong dịp hè, nên trẻ em bây giờ ngày càng xa dần những bộ phim nói về tuổi thơ, ký ức vùng quê, tình cảm ông bà, cha mẹ...

Bài, ảnh: MAI HẠ



 


.