Giải mã địa danh dân gian

09:05, 15/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thường ngày chúng ta vẫn hay nhắc đến các địa danh dân gian, cứ ngỡ là đơn giản, song kỳ thực nó đa dạng, phức tạp như một “ma trận”.
 

 

“Địa danh thường là lấy từ vốn từ của một ngôn ngữ, khi chuyển từ ngôn ngữ phát sinh nó sang ngôn ngữ khác thường không tránh khỏi sự vênh lệch nhất định. Từ sự vênh lệch trong nhận âm dẫn đến vênh lệch trong văn tự”.
Nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư   
Cầm trên tay cuốn “Địa danh dân gian Quảng Ngãi” vừa mới xuất bản của nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tôi như có được cuốn “bách khoa toàn thư” về địa danh dân gian trên địa bàn tỉnh, nhờ đó có lời giải đáp xác thực về những điều còn băn khoăn. Ông Chư đã dành khá nhiều thời gian để khảo sát, nghiên cứu từng “ngõ ngách” của địa danh dân gian ở Quảng Ngãi.

Đi sâu tìm hiểu với sự đa dạng, phức tạp của địa danh dân gian, nhà nghiên cứu Cao Văn Chư đi đến nhận định: “Địa danh dân gian biến đổi như một ma trận. Để giải mã từng địa danh theo ma trận đó, cần phải lần tìm từng nấc, từng hướng mà địa danh đã biến đổi, đến điểm gốc của nó, tức địa danh khởi thủy”.
 
Địa danh Ba Làng An hay còn gọi là Ba Tâng Gâng, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) được nhiều người biết đến với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, song ít người “giải mã” được các mắt xích của địa danh này. Theo ông Cao Văn Chư, ở hai bên cửa biển Sa Kỳ có ba làng là An Hải, An Vĩnh, An Kỳ, đều bắt đầu bằng chữ “An” nên còn có địa danh Ba Làng An. Đến khi người Pháp cai trị Việt Nam, do không nhận rõ âm mà viết thành Batanggang, có âm khác xa so với âm ban đầu, đến thời chống Mỹ người ta tiếp tục dùng cách mà người Pháp đã ghi, rồi phát âm thành Ba Tâng Gâng.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng tại sao lại có địa danh này hoặc địa danh kia, thậm chí là có sự tranh cãi vì không giải mã được “ma trận” của địa danh dân gian được đề cập đến. Địa danh không đơn giản chỉ là cái tên của một địa phương, một con sông hay ngọn núi... mà còn phản ánh đời sống, ngôn ngữ, tư duy, bản sắc văn hóa, tâm hồn của mỗi một cộng đồng dân tộc. Có những địa danh đi sâu vào tâm hồn của con người, mỗi khi nhắc đến lại khiến con người ta dạt dào cảm xúc...

Cuốn “Địa danh dân gian ở Quảng Ngãi” (sách do Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành) sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích và lý thú, từ nội dung về dòng đời xứ Quảng, các dân tộc và địa danh, đến sự phong phú, đa dạng của địa danh gốc tiếng Việt phổ thông, địa danh gốc tiếng Hrê, Cor, Ca Dong, đến địa danh hỗn hợp gốc tiếng, địa danh dân gian được ghi vào văn tự và kế tục địa danh dân gian.
  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.