Cần khôi phục các loại hình dân ca truyền thống

04:05, 15/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước lúc đi xa, Bác Hồ muốn nghe một câu hò Huế - nơi gia đình Bác sinh sống, học tập và làm việc nhiều năm; Bác muốn nghe câu hò xứ Nghệ - dân ca quê hương Bác. Nhưng bên cạnh Bác lúc đó không có ai đáp ứng được điều Bác mong muốn. May sao, có cô gái biết hát dân ca quan họ, thế là khúc dân ca truyền thống Việt Nam đã đi vào tâm hồn Bác lúc lâm chung. Thế mới biết dân ca truyền thống gắn bó đến mức nào trong đời sống tinh thần của con người.
 

Những thập niên gần đây, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, việc bảo tồn, phát triển dân ca truyền thống các dân tộc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo, với ý thức trách nhiệm cao. Nhiều thể loại dân ca như Nhã nhạc Cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, ca trù Bắc Ninh - Hà Nội, Ví - Dặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ... đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 

 

Bài chòi là loại hình dân ca khá phổ biến ở các tỉnh, thành Nam Trung Bộ.                                                                                 Ảnh: PV
Bài chòi là loại hình dân ca khá phổ biến ở các tỉnh, thành Nam Trung Bộ. Ảnh: PV

Gần đây, một số tỉnh Trung Trung Bộ có chương trình khôi phục và phát triển hát bội (tuồng), bài chòi, hát hố là các loại hình dân ca khá phổ biến ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên để làm phong phú các loại hình văn hóa của các tỉnh miền Trung. Đồng thời, cũng có kế hoạch phục hồi, phát triển các loại hình dân ca đó hội đủ điều kiện để Nhà nước đưa vào danh mục đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc phục hồi, phát triển các hình thức dân ca nói trên, các tỉnh Trung Bộ đang có chương trình hoạt động cụ thể. Riêng việc phục hồi, phát triển dân ca bài chòi, hát hố ở Quảng Ngãi tiến triển còn rất chậm. Tại Quảng Ngãi có "Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố" do anh Trịnh Công Sơn làm giám đốc. Nhưng, theo anh Sơn, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, kết quả hoạt động của Trung tâm còn rất khiêm tốn.

Nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, hát hố ở Quảng Ngãi từ lâu đã khá quen thuộc đối với người dân. Ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuồng, bài chòi cũng được nhân dân, quân đội xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi hoạt động.

Với kế hoạch phát triển kinh tế sôi động như hiện nay ở khắp các vùng đồng bằng và miền núi của tỉnh, ngành văn hóa cần có chương trình phát triển cụ thể đối với các loại hình dân ca này để nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phải chăng cần quan tâm đầy đủ lĩnh vực phát triển văn hóa, trong đó dân ca sẽ là một trong các hình thức đáng được phát triển mạnh mẽ. Phải từ phong trào mang tính chất quần chúng, dần sẽ được nâng lên để trở thành nghệ thuật chất lượng cao song hành với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mong cho kỳ vọng đó của quần chúng nhân dân sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa.
 
QUANG HẠO
 

.