Khơi dòng di tích lịch sử, văn hóa

02:03, 07/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Quốc gia, nhưng trên địa bàn huyện Đức Phổ hiện còn khá nhiều di tích “ngủ yên”. Do đó, việc tôn tạo, tu sửa, phục dựng để phát huy giá trị từng di tích là hết sức cấp thiết…

TIN LIÊN QUAN


Đức Phổ có 23 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Trong số này chỉ mới đầu tư xây dựng 3 di tích có quy mô lớn, 9 di tích dựng bia bảng, còn lại đều “ngủ yên”.

Đánh thức giá trị di tích

Quảng Ngãi đang hướng đến kỷ niệm 85 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh (23.4.1931-23.4.2016). Trên quê hương Phổ Phong, nơi khu lưu niệm (cũ) của đồng chí, các đơn vị thi công đang khẩn trương xây dựng gấp rút công trình tôn tạo, nâng cấp nhà lưu niệm để hoàn thành trước ngày kỷ niệm. Bà Trương Thị Hương - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Phổ, cho biết: Công trình đầu tư trên 14 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà thờ, nhà trưng bày hiện vật; nhà đón tiếp khách, tường rào cổng ngõ, diện tích 5.500 m2. Qua gần 1 năm xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc.

Giá trị di tích lịch sử được khơi dòng khi được đầu tư, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử của du khách.
Giá trị di tích lịch sử được khơi dòng khi được đầu tư, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử của du khách.


Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Tuy vậy, trước đây nhà lưu niệm chỉ được xây dựng với quy mô nhỏ hẹp, tư liệu hiện vật còn ít, với 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật nên chưa khái quát hết công lao, cuộc đời hoạt động và sự hy sinh của đồng chí cho đất nước, quê hương. “Việc tôn tạo, xây dựng mới khu lưu niệm Nguyễn Nghiêm với quy mô lớn là nhằm khơi dòng giá trị của di tích, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, sự hy sinh của cụ để ra sức phấn đấu học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”, bà Hương chia sẻ.

Trước đó, di tích lịch sử nhà thờ Phạm Xuân Hòa (Phổ Cường) và Khu lưu niệm, bệnh xá Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn bằng nhiều nguồn vốn. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã sưu tầm hình ảnh, hiện vật liên quan để bổ sung vào di tích. Nhiều năm qua, các di tích được trùng tu, tôn tạo đã bước đầu phát huy được hiệu quả, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Giá trị các di tích này đã được khơi dòng chảy, góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào về quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân.
 

Năm 2016, huyện Đức Phổ phấn đấu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 27 di tích; lập 3 hồ sơ di tích đề nghị tỉnh xếp loại; xây dựng di tích vụ thảm sát Chợ Chiều – Giếng Thí, xã Phổ Khánh.

Còn nhiều di tích chưa được trùng tu

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Phổ còn khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh chưa được trùng tu, dựng bia, bảng... Nhiều di tích được công nhận có giá trị di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp Quốc gia, nhưng vẫn chưa đầu tư, phát huy giá trị, như di tích Mộ và Nhà thờ Phan Long Bằng ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2012. Ngôi nhà thờ cụ Phan Long Bằng do chính người cháu ruột Phan Long Phương xây dựng lên, đến nay đã gần 40 năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Hơn năm nay, bà Võ Thị Bích mẹ của ông Phương phải rời khỏi nhà đến ở với các con vì sợ nhà sụp bất cứ lúc nào. Ông Phương, bảo: “Di tích đã được công nhận khá lâu rồi, nhưng chưa được tôn tạo. Hiện nhà thờ đã hư hỏng nhiều chỗ, ron mè đã mục nhiều đoạn, vách tường có nhiều chỗ nứt nên không thể ở được. Còn khu mộ của ông cũng chưa được đầu tư tôn tạo, để xứng với di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Theo lý lịch di tích cụ Phan Long Bằng do Bảo tàng tổng hợp tỉnh cung cấp: Thời trai trẻ, cụ Bằng là một sĩ phu yêu nước, đầy nhiệt huyết, kiên trung, bất khuất, đã có những đóng góp xứng đáng trong phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Ông trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào cự sưu khất thuế của nhân dân Bình Định, nhằm chia lửa với phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi và nhân dân Nam Trung Kỳ nổ ra năm 1908. Ông bị bắt và xử tử trong lúc lãnh đạo khoảng 4.000 người vây thành Bình Định đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế.

Theo bà Trương Thị Hương, trên địa bàn huyện còn nhiều di tích chưa được đầu tư xây dựng bia, bảng; trong đó có 6 di tích trong diện cấp thiết phải xây dựng như nhà thờ cụ Phan Long Bằng, nhưng chưa có kinh phí, huyện đành chờ…

Mỗi một di tích đều có những giá trị lịch sử sâu xa, có những bài học về lòng yêu nước với mọi thời đại, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Vì vậy, khi đã công nhận giá trị di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, cấp tỉnh thì các ngành chức năng cần sớm có những động thái tích cực để phục dựng, khơi dòng di tích, để phát huy giá trị vốn có của các di tích trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.