"Chuyện tình hai mươi mốt năm"

09:01, 20/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tựa đề cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Phạm Văn Hoanh - Hội viên Hội VHNT tỉnh, giáo viên Trường THCS Bình Tân (Bình Sơn). Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của hội viên Hội VHNT tỉnh. Cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu đôi lứa trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cũng như tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt.

Phạm Văn Hoanh sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã đam mê văn chương, về sau gắn bó với nghiệp văn và xem việc dạy văn, viết văn là mạch sống của mình. Đến nay, anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm như: Tản văn và truyện ngắn "Thương về mùa hoa súng", truyện ngắn "Giậu mồng tơi", tản văn "Đằng sau câu nói"… Mới đây, anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay "Chuyện tình hai mươi mốt năm". Cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên câu chuyện có thật về mối tình của người cô ruột của tác giả trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Tác giả Phạm Văn Hoanh và cuốn tiểu thuyết
Tác giả Phạm Văn Hoanh và cuốn tiểu thuyết "Chuyện tình hai mươi mốt năm"


Toàn bộ cuốn tiểu thuyết dài gần 200 trang, gồm có 16 chương. Mỗi chương nói về cuộc đời của một nhân vật nhưng vẫn có bóng dáng, cuộc đời của nhân vật chính, đó là vợ chồng anh Tú. Câu chuyện được bắt đầu vào năm 1954, khi anh Tú nhận giấy triệu tập, chuẩn bị tập kết ra Bắc. Đôi vợ chồng trẻ đã hứa hẹn sẽ sum họp sau hai năm khi đất nước thống nhất. Sau khi anh Tú đi, chị Tú ở nhà phải đối mặt với nhiều cảnh ngang trái. Chị bị kẻ thù bắt ép ly khai cộng sản, đánh đập dã man nhưng chị một mực chung thủy, thà chết chứ không khuất phục. Rồi chị cũng tham gia hoạt động cách mạng để góp sức mình vào sự thống nhất nước nhà. Sau 21 năm đằng đẵng chờ đợi, ngày giải phóng anh Tú trở về sum họp với gia đình. Mặc dù anh Tú trở về không còn được nguyên vẹn như xưa, một phần cơ thể anh đã ở lại nơi chiến trường, nhưng với họ hạnh phúc lớn lao là được đoàn tụ cùng nhau.

Bên cạnh tình yêu của hai nhân vật chính, tác giả cũng đan xen những mối tình của những nhân vật phụ cũng là những chiến sĩ cách mạng như mối tình giữa anh Sắc- chị Lành. Mối tình giữa họ vốn rất thắm thiết nhưng vì chiến tranh, vì những tên lính ngụy như tên Trư đã bắt ép gia đình chị Lành và buộc chị phải từ bỏ anh Sắc để lấy hắn. Mặc dù phải làm vợ tên Trư, nhưng trong lòng chị Lành vẫn luôn nhớ về anh Sắc.

Tác giả đã sử dụng nghệ thuật tương phản: Một bên là phe chính nghĩa gồm những người cộng sản như vợ chồng anh Tú, anh Sắc, chị Lành… luôn sẵn lòng xả thân để giành lấy độc lập cho dân tộc và một bên là phe phi nghĩa gồm những tên lính ngụy ác ôn như tên Trư, tên Sang.

Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ làm nổi bật hình ảnh của nhân vật và làm cho tiểu thuyết thêm sinh động, hấp dẫn. Đồng thời có sự đan xen giữa tự sự, miêu tả, biểu cảm và nghị luận giúp cho tiểu thuyết hấp dẫn, gợi cảm và mang tính triết lý. “Qua cuốn tiểu thuyết, người đọc sẽ hiểu hơn về tình yêu quê hương, đất nước của người dân Việt Nam, tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu đôi lứa, sự thủy chung, tình bạn bè gắn bó sâu đậm”,  anh Hoanh bộc bạch.

Ông Hồ Văn Minh - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhận định: Tiểu thuyết là một thể loại tương đối khó thể hiện. Nó đòi hỏi người viết phải có sự am hiểu nhất định. Trong một cuốn tiểu thuyết đòi hỏi phải có nhiều tuyến nhân vật. Chính vì thế trong "Chuyện tình hai mươi mốt năm", người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy sự đa dạng của các nhân vật. Đặc biệt, việc sử dụng nhiều bút pháp nghệ thuật đã giúp cho "Chuyện tình hai mươi mốt năm" trở nên hấp dẫn với một kết thúc có hậu mang tính nhân văn sâu sắc.

Với niềm đam mê và sống hết mình với nghệ thuật đã giúp Phạm Văn Hoanh có những giải thưởng nhất định. Tuy những giải thưởng chưa cao, nhưng nó cũng đã bước đầu đánh dấu sự thành công trong nghiệp văn chương của anh.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.