"Mắt Hạc" – Thông điệp mang ước vọng hoà bình

08:12, 17/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đạo diễn Hồ Nhật Thảo (Đài PT-TH Quảng Ngãi) vừa ra mắt phim tài liệu mới mang tên “Mắt Hạc”. Đó là câu chuyện dựa trên loạt phóng sự 11 kỳ đăng trên nhật báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) từ ngày 17.7.2015 đến ngày 27.7.2015 của nhà báo Sasaki Manabu (Trưởng đại diện phân xã Asahi Shimbun tại Hà Nội) về những người lính Nhật sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã ở lại Việt Nam tham gia vào lực lượng Việt Minh chống Pháp.
 
Họ đã cưới vợ người Việt, rồi có những đứa con. Nhưng thuộc tính khắc nghiệt của chiến tranh đã cướp đi bình yên, và gieo rắc nỗi đau mất mát chia cắt cho gia đình họ. Nhà báo Sasaki Manabu đã kể lại câu chuyện này vào đúng dịp nước Nhật kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh, để gửi gắm thông điệp mang ước vọng hoà bình, hạnh phúc cho cả hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản. Loạt phóng sự đăng trên nhật báo có lượng độc giả cao nhất tại Nhật Bản đã được người Nhật quan tâm, chia sẻ."

 

Nhân vật trong phim Mắt hạc
Nhân vật trong phim Mắt hạc

 

Hậu chiến, chủ đề được nhiều nhà làm phim tài liệu Việt Nam quan tâm, yêu thích và cả kì vọng. Thế nên, những cuộc chiến ở Việt Nam dù đã lùi rất xa nhưng vết tích thì vẫn vẹn nguyên như mới. Đã có rất nhiều phim, từ cách tiếp cận của nhóm sản xuất, thanh âm chiến tranh vọng về khắc nghiệt, bỏng rát như tiếng gầm rú của đạn bom. Xem phim thấy trái tim bị bóp nghẹt vì người chết, nhà cháy, máu đổ tràn trên cánh đồng hoang. Địch – ta, kẻ thắng – người thua... Mọi thứ rất rõ ràng.
 
Vậy có lý gì, nếu chọn một phim với đề tài hậu chiến mà những khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh chỉ thoảng nhẹ như tiếng thở dài của người đàn bà tiễn người đàn ông của mình đi xa, vào vùng khói lửa. 
 
Bởi sẽ rất nhẹ, rất sâu... Cái lý của một cuộc chiến không phải ở kẻ thắng người thua. Đằng sau một cuộc chiến, mỗi người đều tìm cho mình lý lẽ riêng để vin vào, tiếp tục sống.
 
70 năm trôi qua, những người Nhật "Việt Nam mới” có quê hương thứ 2 (Theo đúng nghĩa của từ “Quê hương” mà người Việt Nam vẫn ngầm hiểu là nơi có gia đình ruột thịt của mình) đã gần như về hết với cát bụi.
 
“Mắt Hạc” có câu chuyện của một phụ nữ đặt lên mình sứ mệnh ấy. Chị là thế hệ thứ 3 trong một gia đình “người Nhật mới”, mang trong mình dòng máu Nhật và Việt. Từ câu chuyện của gia đình mình, chị cảm nhận về cái lý của chiến tranh bằng trái tim của một người phụ nữ và thực hiện sứ mệnh cầu nối bằng sự tỉnh táo của một người trẻ may mắn trưởng thành sau chiến tranh. 
 
“Mắt Hạc” có nước mắt người đàn bà nhớ về người đàn ông của mình ngày chia xa sau cuộc chiến. Không đạn bom, thù hận. Chỉ có tình yêu và hy vọng về ngày tái hợp. 
 
“Mắt Hạc” có niềm tin khi những cầu nối Việt – Nhật ngày càng vững bền, như câu chuyện mà chị Hoàng Thị Thanh Hoài – một người cháu của “người Việt Nam mới” sẻ chia với nguồn cội, quê hương mình. Đó là cầu nối để bước đến hành trình sau một cuộc chiến. Hành trình của hàn gắn, tình yêu thương, thấu hiểu và phát triển của hai đất nước, hai dân tộc.
 

 

  • Phim tài liệu ngắn Mắt Hạc có thời lượng 21 phút, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV PY) sản xuất năm 2015. Biên kịch Trần Thanh Hưng (PGĐ Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên); Đạo diễn Hồ Nhật Thảo (Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam); Quay phim Lê Phương Trung (Đài PTTH Quảng Ngãi). Phim có phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản như: Nhà sử học Dương Trung Quốc; nhà báo Sasaki Manabu (Trưởng đại diện phân xã nhật báo Asahi Shimbun tại Hà Nội); nhà văn - nhà báo Komatsu Miyuki (Nhật Bản)…

 

 
Trần Linh Trúc ( VTV  Đà Nẵng )
 
 

.