Gìn giữ di sản cho đời sau

02:11, 22/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng con người Quảng Ngãi phong phú về đời sống tinh thần.

TIN LIÊN QUAN

Di sản văn hóa là tài sản quý mà thế hệ cha ông để lại cho muôn  đời sau, bởi vậy mỗi người cần có trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.    

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Theo thống kê của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 65 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, 125 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ và 29 di tích cấp quốc gia. Ngành cũng đang làm hồ sơ công nhận di tích đặc biệt đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống văn hóa- xã hội, nhiều năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ngành văn hóa đã lập hồ sơ di tích cho di tích đình An Định (Nghĩa Hành), mộ và nhà thờ Lê Trung Đình (TP. Quảng Ngãi), điện Trường Bà, đình An Vĩnh (Lý Sơn), địa điểm xuất quân của quân tình nguyện Việt- Lào, hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng giai đoạn 2, xin chủ trương quy hoạch khu văn hóa Thiên Ấn… Trùng tu các điểm di tích Ba Tơ, Ba Gia, Vạn Tường… phục vụ các ngày lễ.

Bộ sưu tập đồ gốm thế kỷ thứ XV, được tìm thấy ở vùng biển Bình Châu (Bình Sơn).                             Ảnh: p.Lý
Bộ sưu tập đồ gốm thế kỷ thứ XV, được tìm thấy ở vùng biển Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: p.Lý


Các địa phương cũng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Nhiều địa phương đã kêu gọi xã hội hóa thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Trong đó, huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Đức Phổ… là những địa phương đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đặc biệt, đối với các di sản, di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Bà Huỳnh Kim Ngân- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bình Sơn, cho biết: Những năm qua, UBND huyện Bình Sơn đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ.
 

Cần tham khảo nhà chuyên môn khi trùng tu di tích


Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.2.2014 nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định thực hiện Thông tư 11 đã làm ảnh hưởng đến công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật của Bảo tàng. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay đó là, tình trạng xâm phạm di tích, các di tích xuống cấp; việc lập hồ sơ di tích, khoanh vùng, lập bia di tích chưa thật sự khoa học. Vì vậy, các địa phương phải tham khảo ý kiến chuyên môn của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh trước khi thực hiện việc trùng tu di tích.
   Ông Lê Hồng Khánh - Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh

Thời gian qua, ngành văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, thu hút đông đảo người xem, như: 80 năm Ngày thành lập Đảng, trưng bày gốm Mỹ Thiện, 50 năm chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường... Trong dịp Tết dương lịch đến, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng sẽ tổ chức trưng bày hình ảnh: “Mía đường Quảng Ngãi xưa và nay”, tiếp tục bổ sung hình ảnh, hiện vật cho Bảo tàng; giới thiệu di sản văn hóa Quảng Ngãi trên các phương tiện thông tin đại chúng... “Dự kiến trong thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ xuất bản catalog giới thiệu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh; xuất bản tập sách các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Hồng Khánh- Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết.

Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên

Trong không gian yên ả, thanh bình, mọi người đắm mình trong nét đẹp văn hóa đặc sắc của nếp nhà xưa, anh Võ Hoài Nam-Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh “bật mí”, ngôi nhà rường này có niên đại gần 300 năm, anh vừa mới sưu tầm, phục dựng lại để gắn kết với những ngôi nhà rường đã phục dựng trước đó, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc vốn có của nếp nhà xưa. Đây là ngôi nhà rường cổ thứ 7 anh Võ Hoài Nam sưu tầm, phục dựng.

 Đối với thế hệ trẻ, không mấy người được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà rường thời xưa, mà phần lớn chỉ biết qua hình ảnh trên internet. Theo dòng thời gian, nhà rường bị hư mục, cũng có không ít trường hợp gia chủ chuộng kiến trúc nhà ở hiện đại nên phá bỏ nếp nhà xưa. Ẩn chứa trong từng chi tiết của ngôi nhà rường cổ là nét văn hóa của người xưa. Anh Võ Hoài Nam tâm tình rằng, sưu tầm, phục dựng nhà rường cổ để thỏa thú đam mê và cũng là để giữ nếp nhà xưa, để thế hệ sau này biết về giá trị văn hóa qua mái nhà rường.    

Bằng nguồn xã hội hóa, Hội Di sản Văn hóa tỉnh đã xây dựng gần 20 ngôi nhà rường thể hiện nét cổ xưa, tinh túy của không gian nhà Việt, góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc.                      Ảnh: T.Phương
Bằng nguồn xã hội hóa, Hội Di sản Văn hóa tỉnh đã xây dựng gần 20 ngôi nhà rường thể hiện nét cổ xưa, tinh túy của không gian nhà Việt, góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Ảnh: T.Phương


Cái thú đam mê sưu tầm đồ cổ theo như cách nói của những hội viên Hội Di sản văn hóa tỉnh thì “rất lạ, rất riêng”. Cái quý, cái đẹp của giá trị di sản văn hóa luôn được đề cao. Nhiều nhà sưu tầm cổ vật cho biết, người xưa gửi gắm cả nỗi niềm, ước vọng qua những hình ảnh chạm khắc trên đồ vật. Có những nét bút bằng lông mèo được vẽ một cách tùy hứng cách đây hàng trăm năm, vậy mà men mực vẫn như mới ngày hôm qua, từng đường nét rất sắc sảo. Từng đồ vật, từng hình ảnh đánh dấu niên đại, vùng miền và những giá trị văn hóa rất riêng. Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Võ Hoài Nam kể chuyện, cách đây 40 năm, khi anh mới nhập ngũ và đóng quân ở đảo Lý Sơn, có dịp vào nhà một người dân uống trà, anh mê mẩn bộ ấm trà tử sa của người xưa, gồm 2 cái đĩa, 3 chén tống, 1 chén quân và 1 ấm trà. Ngót 30 năm sau, trở lại Lý Sơn, anh đến thăm gia đình người dân sở hữu bộ ấm trà tử sa năm nào và ngỏ lời mua lại.

Quảng Ngãi hiện nay đã có Hội Di sản Văn hóa tỉnh, thành lập vào cuối tháng 10.2015. Hội Di sản văn hóa tỉnh sẽ là “cầu nối” giữa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến với hội viên. Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Võ Hoài Nam thì “mỗi hội viên tỉnh sẽ là một tuyên truyền viên, đóng góp tích cực cùng với cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa”. Anh Nam cho biết, sắp tới Hội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di sản; thành lập chi hội di sản văn hóa ở các làng nghề để nâng cao ý thức giữ gìn nghề truyền thống từ bao đời của cha ông...

Hiện nay, nhiều làng nghề, nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh ta đang trên đà mai một. Vì thế, cùng với sự nỗ lực của những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, sự đóng góp tích cực của các hội viên Hội Di sản Văn hóa tỉnh cũng như ý thức trách nhiệm của cộng đồng, xã hội được nâng lên, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nhất định sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG-P.LÝ

 


.