Đừng bê tông hóa nhà sàn

01:11, 23/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ bao đời, những nếp nhà sàn ấy gắn liền với phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, những nếp nhà sàn truyền thống đang ngày càng mất đi, kéo theo sự mai một của nhiều giá trị văn hóa.

“Bê tông hóa” nhà sàn

Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, là mái nhà chung của đồng bào các dân tộc Cor, Hrê và Cadong. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Kiến trúc nhà sàn truyền thống cũng có sự khác biệt, phù hợp với địa hình cư trú và loại hình canh tác của mỗi dân tộc. Thế nhưng, theo thời gian, những nếp nhà sàn đơn sơ, mộc mạc ngày càng mất đi, nhường chỗ cho những ngôi nhà cấp bốn khô cứng, lạ lẫm. Chỉ tính riêng tại huyện Sơn Hà, nơi có 82% dân số là đồng bào dân tộc Hrê, số nhà sàn truyền thống còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Rất ít nhà sàn giữ nguyên bản như nhà sàn xưa.
Rất ít nhà sàn giữ nguyên bản như nhà sàn xưa.


Theo ông Phạm Xuân Chí- Phó Phòng Văn hóa- thông tin huyện: Làn sóng tháo bỏ nhà sàn đã diễn ra cách đây hàng chục năm với tốc độ rất nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng thương lái tìm mua khung sườn của các nhà sàn lâu năm cũng khiến nhà sàn truyền thống ngày càng vắng bóng. Đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn vài gia đình người Hrê ở các thôn vùng sâu còn giữ được nếp nhà truyền thống, nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ mất đi do xuống cấp.

Những năm gần đây, do không thích nghi được với nhà xây, người dân có xu hướng dựng lại nhà sàn. Nhưng vật liệu làm nhà sàn ngày một khan hiếm và đắt đỏ, người thợ biết dựng nhà cũng ít dần nên nhà sàn sau này phần lớn được “bê tông hóa”. Nhà sàn hiện nay tuy mô phỏng hình dáng của nhà sàn truyền thống nhưng nguyên vật liệu được thay thế bằng cột bê tông, mái tôn, tường xây và sàn lát gạch. Ở khía cạnh nào đó, nhà sàn “hiện đại” phù hợp với khả năng kinh tế, đảm bảo sinh thái và vệ sinh môi trường. Song, theo ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh: “Sự chắp vá trong kiến trúc nhưng không kế thừa được hồn cốt của nhà sàn truyền thống đã tạo nên một không gian văn hóa lạ lẫm và khô cứng. Thậm chí đánh mất bản sắc riêng biệt của cộng đồng dân tộc ở thế hệ sau”.

Cần phát huy nếp nhà sàn xưa

“Nhà sàn không chỉ là nơi ăn, chốn ở mà còn gắn với những lễ thức theo chu kỳ năm (lễ ăn trâu, tết ngã rạ, mừng lúa mới...), chu kỳ đời người (cưới hỏi, tang ma, sinh đẻ...). Mỗi dân tộc có những phong tục tập quán, lề lối sinh hoạt khác biệt, hình thành nên những không gian văn hóa riêng. Vì vậy mà mất những nếp nhà sàn truyền thống là mất đi không gian văn hóa, kéo theo sự mai một của nhiều nhân tố văn hóa trong cộng đồng. Đó là các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào, như nghi lễ bắc bếp cữ khi con gái về nhà chồng, văn hóa cồng chiêng… cùng nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác của cộng đồng cũng sẽ dần mai một”, ông Chư cho biết thêm. Thời gian qua, ngành văn hóa đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn và bảo tồn nếp nhà sàn. Đồng thời, Sở VH-TT&DL đã có dự án phục dựng nguyên bản một khu vực nhà sàn truyền thống của người Hrê tại Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).

Thực tế cho thấy, để kế thừa và phát huy văn hóa nhà sàn truyền thống trong sự phát triển của xã hội hiện đại là không dễ dàng, đòi hỏi phải có định hướng sao cho hiệu quả, thiết thực. Bởi, nếu đầu tư xây dựng tràn lan nhưng không được dung dưỡng bởi chính cộng đồng, giá trị văn hóa của nhà sàn sẽ không thể phát huy và bền vững.


 Bài, ảnh: Hà Xuyên



 


.