Từ bờ đá hoang sơ đến tường chắn trọng lực

03:08, 21/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lên vùng cao, vào các thôn của đồng bào dân tộc ta gặp những tường đá xếp cao làm vách chắn đất. Vô số những tảng đá to cỡ vài người khiêng được chồng lên nhau khít chặt, chem kín các kẽ hở bằng những tảng đá nhỏ. Năm tháng đi qua, bao mùa mưa lũ, nhiều tường đá vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Có những lối đi giữa hai vách đá dài, gợi cảm vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng. Cũng cách xếp đá như thế, nhiều nơi người ta làm bờ ruộng bậc thang để canh tác lúa, rau màu hay nhiều loại cây trồng khác.

Trên Quốc lộ 24, đoạn dưới Giá Vực (Ba Tơ), một cánh đồng bậc thang, bao mùa lúa nước chín vàng đã góp phần không nhỏ cho cuộc sống nơi đây. Gần đó, trên đồi thấp, cách xa núi cao, một bản nhà sàn với những vách tường đá thấp chắn đất chống sạt lở. Nhìn từ xa trong nắng ban mai hay khi chiều xuống, quang cảnh nhà và ruộng xếp bậc thang trông như những bức tranh nghệ thuật.

 

Tường bao và cổng giếng chùa Thiên Ấn.
Tường bao và cổng giếng chùa Thiên Ấn.


Không chỉ ở vùng cao mà trên đảo Lý Sơn giữa biển cũng có cánh đồng bậc thang trồng hành tỏi. Nơi đây không chỉ nổi tiếng đặc sản  hành tỏi mà còn để lại trong lòng du khách vẻ đẹp tự nhiên. Trên đồng ruộng bậc thang ấy, người ta xếp tường đá thẳng đứng cao độ một mét làm vách chắn đất. Cứ thế những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau tạo nên cánh đồng dưới chân núi. Trải qua năm tháng mưa nắng, bờ thửa vẫn bền vững. Những lúc bình minh, mặt trời chiếu những tia nắng sớm vào cánh đồng làm hiện rõ bậc thang đẹp sinh động như nét vẽ của họa sĩ.

Một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã đưa ý tưởng công trình “Tường chắn trọng lực” được in trong sách tại hội thảo tầm quốc gia do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức vào tháng 8.2013 với chủ đề: “Hạ tầng giao thông Việt Nam với phát triển bền vững”.

 Điều này có thể vận dụng vào thực tế Quảng Ngãi trong các công trình hành lang đường bộ, đường sắt, bờ đá công viên khu vực chân đồi, công viên nhỏ, quảng trường… và nhiều công trình công cộng khác. Kết cấu tường chắn trọng lực chiều cao tối đa không quá hai mét trên nền đất tự nhiên, nếu cần cao hơn thì phải giật cấp bậc thang. Thân tường gồm những tảng bê tông lớn được đúc rời và xếp chồng lên nhau. Có thể xếp khít, chừa lỗ nhỏ hay theo một hình dạng nào đó tùy yêu cầu thiết kế. Cốt lõi để tường chắn trọng lực bền vững là nền đất tự nhiên ổn định, các tảng bê tông về khối lượng và bề mặt đủ lớn, tường phải xếp theo phương thẳng đứng. Lợi ích của loại tường chắn này giảm rất nhiều chi phí so với bê tông cốt thép, móng trụ và dễ dàng thay đổi, sửa chữa khi cần thiết.

Trong xu hướng kiến trúc công trình phục vụ dân sinh gần gũi, thân thiện với môi trường, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân gian vốn là niềm tự hào của người Việt Nam, thì tường chắn trọng lực là nội dung cần được các cấp quản lý nhà nước, các ngành chức năng, các nhà thiết kế xây dựng Quảng Ngãi quan tâm vận dụng!   

Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo
 


.