Hiến tặng kỷ vật chiến tranh

10:07, 18/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt mấy mươi năm gìn giữ hiện vật thời kháng chiến như một báu vật, giờ đây nhiều người đã hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.  

Giữa tháng 3.2015, Sở VH-TT&DL phát động cuộc vận động hiến tặng kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Cán bộ Phòng Nghiên cứu-Sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cất công tìm hiểu, vận động các cựu chiến binh hiến tặng các kỷ vật từng gắn bó với họ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Những kỷ vật thiêng liêng  

Suốt 40 năm trôi qua kể từ ngày quê hương sạch bóng quân xâm lược, ông Lê Hữu Hận (76 tuổi, ở tổ 2, phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi, nguyên là đội trưởng đội phẫu quân y các Tiểu đoàn 83, 48, Thị đội và Tiểu đoàn 432…) vẫn giữ bên mình những hiện vật thời chiến. Ông nâng niu gìn giữ như báu vật, để rồi mỗi khi nhớ đồng đội, nhớ đến những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng, ông lại mang ra để ngay trước mặt, bao nhiêu ký ức của tuổi xuân lại ùa về. Cuộc sống dẫu có nhiều biến cố, khó khăn, thế nhưng dù đi đâu, làm gì ông Hận vẫn giữ vẹn nguyên kỷ vật thời kháng chiến. Hộp bộ trung phẫu, bánh kẹp xăng, kéo, xi-ranh 10cc, cái đè lưỡi, kéo cong cắt thịt… ông đều giữ rất kỹ. Trong đó có những kỷ vật ông từng sử dụng và gìn giữ đến nay gần nửa thế kỷ.

Bộ dụng cụ trung phẫu của đồng chí Lê Hữu Hận dùng để cứu chữa thương binh từ năm 1965-1975.
Bộ dụng cụ trung phẫu của đồng chí Lê Hữu Hận dùng để cứu chữa thương binh từ năm 1965-1975.


Đưa tay lau nhẹ thùng hấp gạc, ông Hận cho biết thùng gấp gạc này gắn bó với ông từ năm 1966. Ông bảo: “Lúc nào gạc cũng phải qua hấp mới làm thương. Thời chiến tranh, dụng cụ y học đâu hiện đại như bây giờ. Mỗi lần về hàng chục ca bị thương, nhanh chóng phân loại đâu là trọng thương, trung thương, rồi tập trung cứu chữa”. Những kỷ vật ông Hận lưu giữ được thiêng liêng biết nhường nào. Từ những dụng cụ y tế này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã được cứu sống. Trong mỗi trận đánh, ông Hận luôn mang chúng đi ở tuyến trước để kịp thời cứu chữa thương binh.

Ông Lê Hữu Hận đã hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh 18 hiện vật thời kháng chiến, trong đó cùng với bộ dụng cụ y tế còn có dây nịt và nhiều giấy tờ quý giá khác. “Đó là những kỷ vật quý giá của đời tôi, là tình cảm của tôi gắn với anh em đồng đội. Bảo tàng cần nên tôi hiến tặng, chỉ mong sao thế hệ trẻ biết phát huy truyền thống cách mạng của cha ông”, ông Hận bộc bạch.

Thêm hiểu biết về lịch sử cách mạng

Sau 4 tháng phát động, đến nay Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã vận động các cựu chiến binh hiến tặng 63 hiện vật chiến tranh, trong đó có 39 hiện vật, 22 tài liệu, 2 ảnh tư liệu. Chị Tạ Thị Di Hà-Cán bộ nghiên cứu-sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết các hiện vật đã sưu tầm được chủ yếu của các cựu chiến binh ở TP.Quảng Ngãi. Thông qua giới thiệu của Hội CCB thành phố, cán bộ làm công tác nghiên cứu-sưu tầm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đến từng nhà của cựu chiến binh để tìm hiểu, vận động hiến tặng hiện vật chiến tranh.

Chị Hà tâm sự: “Đối với các bác từng tham gia kháng chiến, đây là những kỷ vật quý giá của cuộc đời họ, thế nên khi các bác đồng ý hiến tặng, chúng tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm của các bác”. Mỗi kỷ vật chiến tranh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận gắn liền với những câu chuyện của lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm trên khắp các chiến trường. Mỗi câu chuyện gắn liền với cuộc đời của những chiến sĩ cách mạng, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đây là lần đầu tiên Quảng Ngãi phát động cuộc vận động hiến tặng hiện vật chiến tranh. Ông Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Mục đích của việc vận động hiến tặng kỷ vật chiến tranh nhằm tăng cường sự phong phú của hiện vật chiến tranh cho bảo tàng, đồng thời phát huy giá trị của hiện vật, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về lịch sử cách mạng của quê hương”.

Trải qua thời gian dài, có không ít hiện vật chiến tranh đã bị hư hỏng. Nếu không bảo quản đúng cách sẽ có nhiều hiện vật quý giá bị mất đi.  Đây là điều khiến những người làm công tác nghiên cứu-sưu tầm trăn trở. Để thực hiện tốt hơn nữa việc hiến tặng hiện vật chiến tranh và phát huy giá trị của hiện vật đối với các tầng lớp nhân dân, đòi hỏi cơ quan chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng ở nhiều địa phương, cũng như tăng cường nguồn kinh phí để tổ chức đi vận động người dân hiến tặng hiện vật.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.