Bồi dưỡng tài năng "nhí": Tâm tư người trong cuộc

05:07, 05/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đâu dễ để phát hiện một tài năng nghệ thuật “nhí”. Khi đã phát hiện, chưa kịp mừng, phụ huynh lại khước từ. Đó chỉ là một trong số nhiều câu chuyện xuất phát từ tâm tư của những người làm công tác bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho thiếu nhi.  

Đội nghệ thuật măng non của Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh đến nay đã gần 20 năm thành lập. Mừng vì Quảng Ngãi chỉ là một tỉnh lẻ, song đội nghệ thuật “nhí” đã tạo tiếng vang lớn trong làng nghệ thuật của thiếu nhi cả nước. Nhưng buồn cũng không ít, bởi có những vướng mắc lâu nay chưa được tháo gỡ.

Đổ mồ hôi vì nghệ thuật  

Chỉ vài ngày nữa, Đội nghệ thuật măng non của Quảng Ngãi sẽ so tài với thiếu nhi các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tại Liên hoan Búp Sen Hồng diễn ra ở Đà Nẵng. Các em trong đội ca, đội múa ngày đêm tranh thủ luyện tập. Trong căn phòng có diện tích khá khiêm tốn, biên đạo múa Phạm Thị Kim Chung “căng đầu” để bố trí các tốp diễn viên sao cho hợp lý với diện tích vốn có. Nhiều người cứ nghĩ nghệ thuật là giải trí, là những động tác xem có vẻ nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng là cả một quá trình khổ luyện của cả người dạy và diễn viên. Cả biên đạo múa và các cháu thiếu nhi đều phải vã mồ hôi để luyện tập cho bằng được những động tác khó. “Lao động nghệ thuật mà, phải đổ mồ hôi. Nhưng phía sau đó là niềm vui, là cảm giác thấy mình trẻ hơn”, biên đạo múa Phạm Thị Kim Chung tâm tình.

 

Biên đạo múa Phạm Thị Kim Chung tập điệu múa cho các cháu trong Đội Nghệ thuật măng non để chuẩn bị tham gia Liên hoan Búp Sen Hồng.
Biên đạo múa Phạm Thị Kim Chung tập điệu múa cho các cháu trong Đội Nghệ thuật măng non để chuẩn bị tham gia Liên hoan Búp Sen Hồng.


Đội nghệ thuật măng non hiện có gần 40 diễn viễn. Anh Nguyễn Tài Thể-56 tuổi, cán bộ nghiệp vụ bồi dưỡng năng khiếu của Nhà Thiếu thi tỉnh, người có thâm niên hơn 18 năm phụ trách Đội nghệ thuật măng non cho hay, trong những lần “mang chuông đi đánh xứ người”, Đội nghệ thuật măng non của Quảng Ngãi luôn tạo ấn tượng đặc biệt bởi phong cách đồng dao riêng có ở xứ Quảng. Nét đẹp mộc mạc, thâm thúy của ngày xưa được các diễn viên “nhí” tái hiện bao giờ cũng tạo sức hút mạnh mẽ đối với người xem. Thế nên nhiều năm liên tiếp Đội nghệ thuật măng non Quảng Ngãi đạt giải đặc biệt xuất sắc trong liên hoan tiếng hát Hoa Phượng Đỏ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; nhiều năm đạt thành tích xuất sắc trong Festival các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi toàn quốc và Liên hoan Búp Sen Hồng…

Còn đó những nỗi niềm…

Niềm đam mê, một tài năng nghệ thuật nếu được kịp thời phát hiện, bồi dưỡng sẽ có điều kiện để phát triển vượt bậc. Thế nhưng, nói như nhiều cán bộ làm công tác bồi dưỡng tài năng nghệ thuật “nhí” ở Quảng Ngãi thì không ít ông bố, bà mẹ đâu muốn con mình theo-đời-nghệ-sĩ. Anh Dương Thành Tuyên-Trưởng Phòng Nghiệp vụ bồi dưỡng năng khiếu, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, tỏ ra tiếc nuối khi mới đây trong hội thi Tiếng hát măng non của tỉnh đã phát hiện một bé trai ở huyện Sơn Tịnh hát rất hay.

Khi ngỏ lời để cháu tham gia Liên hoan Búp Sen Hồng ở Đà Nẵng sắp đến, phụ huynh gật đầu, nhưng điều kiện “đính kèm” là cháu sẽ được kết nạp vào Đội nghệ thuật măng non, tham gia luyện tập và phục vụ hát múa, họ lại từ chối. Đối với cán bộ làm công tác bồi dưỡng năng khiếu, bị các bậc phụ huynh từ chối khi đề nghị để được bồi dưỡng năng khiếu cho con họ là chuyện thường. Chỉ có điều thấy tiếc vì một niềm đam mê, một tài năng nghệ thuật không được bồi dưỡng để phát triển. “Dạy các em hát múa vừa giúp các em giải trí, vừa định hướng thẩm mỹ cho các em, cũng là để Đội nghệ thuật măng non có thêm tài năng. Nhưng nhiều bậc cha mẹ không muốn nên đành chịu”, anh Tuyên bộc bạch.

Nhiều bậc cha mẹ sợ con học bồi dưỡng năng khiếu sẽ ảnh hưởng đến việc học kiến thức ở trường phổ thông. Về điều này, anh Thể khẳng định: “Sẽ không ảnh hưởng đến việc học ở trường của các em, vì giáo viên dạy năng khiếu thường xuyên nhắc nhở, nếu không đạt học lực khá, giỏi các em sẽ không được vào đội; lịch luyện tập cũng được bố trí phù hợp để đảm bảo việc học”. Tuy nhiên, điều khiến anh Thể trăn trở là Quảng Ngãi chưa có Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên, nên tài năng nghệ thuật măng non không có bước chuyển tiếp, thường chỉ đến lớp 10 là bị “tắc”.  

 Thường thì hàng năm, khi thành viên Đội nghệ thuật măng non bị “lủng”, Nhà Văn hóa thiếu nhi “rút” những em khá, giỏi từ các lớp năng khiếu. Thế nhưng theo anh Dương Thành Tuyên, bình quân trong năm học, ở nhà văn hóa thiếu nhi chỉ có khoảng 100 lượt thiếu nhi học các lớp năng khiếu hát, múa, đàn, vẽ…chủ yếu là thiếu nhi ở TP.Quảng Ngãi. Vào dịp hè số lượng trẻ học năng khiếu đông hơn, nhưng chủ yếu các bậc cha mẹ cho con học năng khiếu để “lấp” thời gian trống trong hè, để dễ quản lý, ít người cho con theo học xuyên suốt. Ngay cả các em trong Đội Nghệ thuật măng non, lịch học chính khóa, học thêm các môn đã kín  thời gian, khiến cho việc luyện tập rất khó khăn.

Ngoài ra, suốt mấy mươi năm qua, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh vẫn chưa có giáo viên dạy múa cơ hữu để dàn dựng chương trình, luyện tập cho các cháu. Bên cạnh đó, theo chị Nguyễn Thị Lành-người phụ trách Đội Nghệ thuật măng non của tỉnh hiện nay: “Chúng tôi tận dụng hết điều kiện có thể để các cháu luyện tập được tốt nhất, để đạt kết quả cao trong các đợt liên hoan, nhưng phòng tập quá chật hẹp, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất”.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.