Văn hóa dân gian ở Tịnh Khê: Hòa quyện đặc trưng văn hóa nông-biển

09:04, 14/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính từ yếu tố địa lý vừa có sông, vừa có biển, cư dân vừa sản xuất nông nghiệp vừa tham gia đánh bắt hải sản trên sông, trên biển đã tạo cho vùng đất Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) nét văn hóa dân gian đặc trưng.

Xã Tịnh Khê là một vùng quê đặc biệt, nơi đã sinh ra nhiều anh hùng, nhân vật lịch sử. Đây là vùng đất với thiên nhiên thơ mộng, con người chất phác, hiền hòa, hiếu khách và có những giá trị văn hóa dân gian hết sức quý báu.

 

Nghề sông nước góp phần mang đến nét văn hóa đặc trưng ở Tịnh Khê.
Nghề sông nước góp phần mang đến nét văn hóa đặc trưng ở Tịnh Khê.


Với cấu tạo địa lý vừa có sông, vừa có biển, cư dân ở xã Tịnh Khê  một bộ phận sản xuất nông nghiệp, một bộ phận tham gia đánh bắt hải sản trên sông, trên biển. Chính yếu tố nông-biển ấy đã tạo ra cho vùng đất Tịnh Khê một nét văn hóa dân gian đặc trưng ít nơi nào có được, đó là sự giao thoa văn hóa nông-sông-biển.

Trong những chuyến công tác, điền dã tại vùng đất này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Văn Chư đã phát hiện ra những đặc điểm nổi bật của văn hóa dân gian xã Tịnh Khê. Chính qua những lần điền dã ấy ông đã tiếp cận, tiếp thu và đi đến hình thành ý tưởng xây dựng công trình nghiên cứu “Văn hóa dân gian xã Tịnh Khê”. Sau 2 năm tìm tòi nghiên cứu và tổng hợp, công trình đã hoàn thành và chính thức được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in thành sách. Cuốn sách “Văn hóa dân gian xã Tịnh Khê” được tác giả phác họa một cách cụ thể diện mạo và những giá trị văn hóa dân gian của xã Tịnh Khê, giúp bạn đọc hiểu toàn diện, sâu sắc hơn về địa danh này.

Ông Cao Văn Chư, chia sẻ: Chính dòng sông Kinh chảy dọc theo bờ biển đã tạo ra ranh giới phân chia rõ rệt giữa hai khu vực sống và lao động. Một bên bờ sông là dải đất phù sa màu mỡ, cộng đồng cư dân ở đây sống dựa vào đồng áng. Bờ bên kia là dải cát trắng, nơi những cư dân mưu sinh bằng nghề đi biển. Điểm giao thoa mà nhà nghiên cứu Cao Văn Chư nhắc đến đó chính là những cư dân mưu sinh trên dòng Kinh Giang, trên những bè rớ… Vì vậy người dân nơi đây mới có nhiều bài ca về người bè rớ. Trong đó, những người sống trên cạn thường châm biếm người bè rớ: “Bè rớ ăn gạo chợ uống nước sông”, “Có con thì gả cho trai cày, đừng gả bè rớ có ngày chết trôi”. Người bè rớ cũng có những câu đối đáp lại: “Em về bè rớ thì quê/ Gạo chợ đem về cá mắm khỏi mua”…

Còn văn hóa nông nghiệp thì gắn liền với các tri thức nhà nông và những câu hát hò, hát hố. Đặc biệt ở đồng Hóc (nay thuộc xóm Khê Thượng, Khê Thuận) ăn nước trời thì cấy lúa ba trăng (lúa trì trì). Đây là loại lúa gieo dài ngày, năng suất thấp nhưng gạo rất thơm ngon. Người dân thường dùng để ăn trong những ngày Tết. Người dân nơi đây cũng có câu hát ghẹo: “Hồi nào anh lên xuống uống ăn/Em mượn gánh lúa ba trăng em trừ!”.

Còn những người đi biển họ tích lũy cho mình những tri thức dân gian về nghề đi biển. Chính từ văn hóa biển đã xuất hiện các làn điệu dân ca ven biển như hò giựt chì, bài chòi, các loại vè, hò trên sông… Các bài hò giựt chì của ngư dân Cổ Lũy được sáng tác trước tiên là để tạo động tác đồng nhịp, tăng thêm sức mạnh. Trong hò giựt chì thì một người hát xướng, nhiều người khác cùng hò: "Hò hấy lơ!/Công chúa Huyền Nga/Hò hấy lơ!/Mới mười ba tuổi/Hò hấy lơ!/Hò giựt!Hò hấy lơ...".

Ông Cao Văn Chư, thổ lộ: Tịnh Khê là mảnh đất chứa đựng những giá trị văn hóa dân gian vô cùng quý báu. Tuy nhiên, trải qua cuộc chiến tranh hết sức ác liệt, xã Tịnh Khê bị tàn phá nặng nề, cùng với thời gian qua đi, cuộc sống có nhiều biến chuyển, nhiều di sản văn hóa dân gian vốn có nơi đây đã bị mai một, thất tán.

Là người dân đã sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, ông Phạm Mai (80 tuổi, thôn Cổ Lũy) thuộc làu làu hơn 100 câu tích xưa nhưng điều khiến ông trăn trở đó là thế hệ con cháu dường như không thuộc những câu hò, điệu hát dân gian của xã Tịnh Khê. Ông Mai trải lòng: “Mong các cấp chính quyền làm thế nào để lưu giữ lại nét văn hóa dân gian đặc sắc của người dân nơi đây, để thế hệ mai sau biết và tự hào về nền văn hóa vốn có của địa phương mình”.     

 

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG
 


.