Từ những khoảnh khắc…

08:04, 01/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Ngãi, nhiều người xúc động khi lần đầu tiên được xem những bức ảnh độc nhất, ghi lại khoảnh khắc của quê hương từ trong máu lửa chiến tranh cho đến hạnh phúc ngày hòa bình.

Tại khu nhà rường ở sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh và Công viên Ba Tơ, hàng trăm bức ảnh được Sở VH-TT&DL, Hội VH-NT tỉnh trưng bày. Mỗi bức ảnh là một khoảnh-khắc-vàng, có những khoảnh khắc chỉ một lần diễn ra trong cuộc sống. Và, không đơn giản để có thể ghi lại những giây phút “duy nhất” ấy.
    
Cảm xúc không lời

Khi xem những bức ảnh ghi lại thời khắc diễn ra trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trên quê hương Quảng Ngãi (tại khu nhà rường sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh), quả đúng là không cần thuyết minh, chỉ qua hình ảnh không thôi cũng đủ khiến người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Dẫu chỉ một lần xem, song những hình ảnh ấy khắc sâu trong mỗi người. Những khoảnh khắc từ sự khổ đau tột cùng bởi chiến tranh đến tinh thần đoàn kết đánh giặc của quân và dân ta,  sự lạc quan với niềm tin tất thắng và phút giây mà toàn thể đồng bào vỡ òa hạnh phúc ngày quê hương sạch bóng quân thù… tất cả đều được ống kính của các phóng viên ghi lại.  

Xe tăng của quân giải phóng tiến vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi ngày 24.3.1975 (ảnh chụp lại tại triển lãm).
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi ngày 24.3.1975 (ảnh chụp lại tại triển lãm).


Nhiều người đứng khựng lại trước bức ảnh của phóng viên người Nhật Phu-đi-ki Ta-ka-nô với dòng chú thích: “Dù không có một chứng cứ nào cũng bị gán là “Việt cộng”. Đây là hình ảnh của mẹ con và bà cụ già nông dân trước lúc bị máy bay lên thẳng Mỹ bắt đi, Từ những khoảnh khắc...

năm 1967, tại Quảng Ngãi”. Bức ảnh khiến người xem như bị xé lòng bởi hình ảnh người mẹ và cụ già chìm trong nước mắt, cháu bé sợ hãi úp vào lòng mẹ. Trên khuôn mặt của mỗi nhân vật trong bức ảnh hằn sâu nỗi đau của chiến tranh. Và, không rưng rức sao được khi nhìn thấy hình ảnh  của những thường dân vô tội bị lính Mỹ bắn chết trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968.

Cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt, nhưng quân và dân ta vẫn son sắt một niềm tin tất thắng, đoàn kết đánh tan quân xâm lược. Hình ảnh đồng chí Lý Đình Huấn-Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi 5 lần phát hỏa DKZ tiêu diệt 4 xe M113 và một hỏa điểm của địch; đại đội nữ Hồng Gấm vai mang súng sẵn sàng chiến đấu; quần chúng xuống đường tham gia tiến công và nổi dậy trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968… Tất cả các bức ảnh đều như biết nói. Chắc rằng mỗi người dân Quảng Ngãi khi xem các bức ảnh ghi lại trong ngày 24.3.1975, xe tăng của quân giải phóng tiến về giải phóng thị xã Quảng Ngãi, cờ giải phóng tung bay trên tòa hành chính tỉnh Quảng Ngãi… đều như hòa mình vào ngày vui của toàn thể đồng bào cách đây 40 năm, niềm vui chẳng thể diễn tả hết bằng lời.

Trách nhiệm và đam mê

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Lâm-nguyên Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Ngãi (hiện là Chi hội trưởng chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Ngãi) đã cất công sưu tầm những bức ảnh nói trên. Đây là những bức ảnh, là tài sản vô cùng quý giá. Để ghi lại những khoảnh khắc trong thời chiến, phóng viên như những người lính có mặt trên mọi chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm cho biết, từ đầu năm 1972-1975, Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) cử về mỗi tỉnh ít nhất 5-7 phóng viên. Trong kháng chiến chống Mỹ có 260 phóng viên của Thông tấn xã hy sinh, riêng tại địa bàn khu V có hơn 40 đồng chí hy sinh. “Đây là những bức ảnh vô cùng quý về mặt lịch sử và công lao đóng góp của anh em phóng viên chiến trường. Trải qua biết bao gian khổ, hy sinh mới có được bức ảnh như thế”, nhà báo Nguyễn Đăng Lâm nói.

       Tác phẩm “Bừng sáng Dung Quất” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Lâm đạt giải Huy chương Đồng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Tác phẩm “Bừng sáng Dung Quất” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Lâm đạt giải Huy chương Đồng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.


Là người gắn bó với công tác báo chí từ đầu những năm 70 cho đến ngày hôm nay, hơn ai hết nhà báo Nguyễn Đăng Lâm thấm thía nỗi gian khổ, hy sinh của phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phải lăn lộn ở khắp mọi nơi để ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử, của đời sống xã hội. Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm tâm sự rằng, đối với phóng viên để có những bức ảnh đẹp, ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống, ngày trước không sợ hy sinh thì ngày nay không ngại vất vả, phải luôn luôn đi thực tế, lăn lộn với cuộc sống. Vâng, có lẽ đây cũng chính là điều khiến thế hệ nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ ở Quảng Ngãi luôn trân trọng, quý mến nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Lâm. Ông luôn có mặt ở mọi nơi, bất kể ngày đêm để ghi lại những khoảnh khắc, sự kiện diễn ra trên quê hương. Nhiều bức ảnh của ông đã đạt giải thưởng cao.

Đối với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, việc ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống cũng là cách để thể hiện tình cảm đối với quê hương. Nhiều người đã ghi lại những khoảnh khắc được cho là “khoảnh khắc vàng”. Hơn 200 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Quảng Ngãi được trưng bày tại Công viên Ba Tơ chính là những khoảnh-khắc-vàng của quê hương Quảng Ngãi sau ngày giải phóng.

Phương Lý
    


.