Người giữ hồn ca dao, dân ca

02:04, 05/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu và vốn kiến thức về văn hóa dân gian sâu rộng, anh Lê Hồng Khánh - Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thành công trong công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung ca dao, dân ca người Việt Nam (Kinh) ở Quảng Ngãi và ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về ca dao, dân ca”.

TIN LIÊN QUAN

Thuở thiếu thời, ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua tuổi thơ bên nôi và đắm chìm vào giấc ngủ trong lời ru của bà, của mẹ. Từ những câu hát ru, những câu ca dao, dân ca mộc mạc ấy, hình ảnh quê hương, đất nước, con người hiện lên vô cùng gần gũi; nó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ trẻ thơ. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, công nghệ phát triển, nhiều dòng nhạc đương đại ra đời làm cho văn nghệ dân gian dường như đã mờ nhạt dần trong tâm trí lớp trẻ.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh.


Bản thân sinh ra tại một làng quê ven dòng sông Trà, nhờ sống với ông bà ngoại, nên từ nhỏ Lê Hồng Khánh đã được tiếp cận với các làn điệu dân ca, được nghe nhiều câu ca dao, tục ngữ từ lời ru của bà, của mẹ, của những người hàng xóm. Khi còn là sinh viên, anh đã cất công đi sưu tầm những câu ca dao, dân ca ở nhiều nơi. Dần dần anh tích tụ được trong mình một kho tàng ca dao, dân ca mang đậm chất Quảng Ngãi. Anh Lê Hồng Khánh chia sẻ: “Những năm tháng chiến tranh, ban đêm người dân xung quanh thường đến nhà tôi để tránh đạn. Trong đó có nhiều người già và trẻ nhỏ. Các cụ già thường kể cho trẻ con nghe chuyện cổ tích, nghe những câu ca dao, dân ca, hát hố… Cứ như vậy, từng câu chữ cứ thấm dần vào mình lúc nào không hay”.

Sự tích tụ những câu ca dao, dân ca từ thuở nhỏ cộng với niềm đam mê đã thôi thúc anh thực hiện công trình nghiên cứu với 4.000 câu ca dao, dân ca Quảng Ngãi. Anh Lê Hồng Khánh cho biết: Ca dao dân ca Quảng Ngãi là một bộ phận của ca dao, dân ca Nam Trung Bộ và ca dao, dân ca Nam Trung Bộ là một bộ phận của ca dao, dân ca Việt Nam. Vì vậy ca dao, dân ca Quảng Ngãi mang nét chung của ca dao, dân ca Việt Nam và Nam Trung Bộ nhưng do điều kiện lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, tính khí con người Quảng Ngãi tạo nên một sắc thái riêng. Mặc dù ca dao, dân ca Quảng Ngãi có cái riêng nhưng không xa lạ mà làm cho ca dao, dân ca Việt Nam thêm đa dạng, phong phú hơn.

Ông Bùi Duy Huyển truyền đạt kiến thức ca dao, dân ca bài chòi cho các em học sinh.
Ông Bùi Duy Huyển truyền đạt kiến thức ca dao, dân ca bài chòi cho các em học sinh.


Cho đến nay, đại bộ phận người dân Quảng Ngãi vẫn sống bằng nghề nông, cấy lúa trồng khoai trên những mảnh đồng bằng nhỏ hẹp, hình thành từ phù sa của những con sông thiếu nước vào mùa nắng, lũ lụt vào mùa mưa, hoặc dãi dầu khuya sớm trên những thổ canh bạc màu chân núi. Điều đó được thể hiện rõ nét trong ca dao, dân ca: “Đồng nào rộng bằng đồng Thi Phổ/ Thổ nào cao bằng thổ Ba Tơ/ Em thương anh chín đợi, mười chờ/ Mía kia lên ngọn trổ cờ đã lâu”.

Đối mặt với một thiên nhiên khắc nghiệt, người Quảng Ngãi đã nỗ lực không ngừng, lớp cha trước, lớp con sau, nhọc nhằn gian khổ xây dựng xóm làng quê kiểng. Gian lao là vậy, nhưng người nông dân Quảng Ngãi vẫn trì chí kiên gan, sớm khuya tần tảo để gầy dựng cuộc sống. Và cũng chính từ những gian lao, vất vả đó mà họ lại càng yêu thương hơn mảnh đất quê hương: “La Hà đập đất thổ sơn/ Ở đâu khổ cực cho hơn La Hà/ Củ lang ăn với dưa cà/ Người yêu quê kiểng luôn là người hơn”.

Ca dao, dân ca Quảng Ngãi không chỉ tái hiện lại các nghề truyền thống, cuộc sống của người dân lao động… mà còn thể hiện đậm nét tính cách của người dân Quảng Ngãi. Người Quảng Ngãi sinh trưởng ở một vùng đất khắc nghiệt về tự nhiên, luôn chống chọi với bão lũ hằng năm, vì thế trong đời sống họ rất trọng tình, dễ cảm thông, dễ mủi lòng: “Ai buồn, ai khóc thiết tha/ Tui vui, tui cũng chan hoà giọt châu”...

Anh Lê Hồng Khánh trải lòng mình: Ca dao bao giờ cũng là tiếng nói, là tâm tình của các tầng lớp nhân dân, nó gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người lao động như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Chính vì thế ngôn ngữ đời sống của nhân dân đã đi vào ca dao như một lẽ tự nhiên, mộc mạc, chân chất. Ngôn ngữ trong ca dao Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài quy luật này. Và điều đó đã tạo nên một vẻ đẹp riêng cho ngôn ngữ ca dao Quảng Ngãi, một vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng, mặn mà, bình dị như chính cái bình dị trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong sinh hoạt, trong lao động của nhân dân: “Ngó ra ngoài biển đuốc giăng/ Hai hàng nước mắt nhỏ em lấy khăn chùi liền/ Bạn có ra về chẳng lẽ bạn về luôn/ Để khăn xéo lại nước mắt tuôn em chùi”.

Với tinh thần làm việc say mê, sáng tạo, công trình nghiên cứu ca dao, dân ca Quảng Ngãi của nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh đã đạt Giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2014. Song, với anh hạnh phúc nhất là được thỏa khát vọng nghiên cứu, sưu tầm cái hay, độc đáo của ca dao, dân ca Quảng Ngãi. Qua đó, anh đã đem cái đã nghe, đã đọc và học được đến với thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.