Facebook- góc nhìn văn hóa

09:04, 26/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể nói rằng, thời đại công nghệ số đã đưa con người ta xích lại gần nhau hơn về mặt không gian, thời gian, thông tin...  trong đó có mạng xã hội facebook. Sự tiện ích là thế, nhưng dưới góc nhìn văn hóa thì việc tiếp cận, sử dụng hệ thống mạng xã hội này còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm.

Trước những tiện ích mà mạng xã hội facebook mang lại, gần đây, một vài cán bộ đã công khai facebook của mình với mong muốn được tiếp nhận những thông tin góp ý từ công chúng đối với ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Với những người làm công tác thiện nguyện thì sử dụng mạng xã hội này để kêu gọi, kết nối những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống… Những việc làm như thế trên cộng đồng mạng facebook là điều rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, do đây là mạng xã hội nên có đủ thành phần truy cập, chia sẻ thông tin, nội dung tốt có, nhưng xấu cũng không ít. Vì thế, khi một ai đó tiếp cận những thông tin kiểu này nếu không tỉnh táo suy xét thì rất dễ bị mắc lừa đối tượng xấu.

Hiện nay, chơi facebook đã trở thành một trào lưu trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ, trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức. Có người, vì lý do nào đó  trong một ngày mà không truy cập, chia sẻ thông tin lên facebook là có cảm giác trống vắng, khó chịu. Vì thế, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thay vì la cà quán cà phê buổi sáng như trước đây, thì nay vẫn đến công sở đúng giờ, nhưng lại dành không ít thời gian trong giờ hành chính để lên facebook bàn luận.

Trong một số cuộc hội họp, bên trên hội trường mặc cho chủ trì báo cáo, chỉ đạo công việc, một vài cán bộ ở bên dưới vẫn thản nhiên cầm điện thoại truy cập lên facebook bình phẩm, trò chuyện làm mất đi sự nghiêm túc của cuộc họp. Không dừng lại ở đó, đến phần khen thưởng, có không ít người cũng xông lên bục hội trường chen lấn cùng với phóng viên để ghi hình bằng điện thoại, làm cho cả hội trường nhốn nháo. Việc chụp hình đó không phải chỉ để lưu giữ làm kỷ niệm mà ngay sau đó liền tung lên facebook. Thậm chí nhiều người còn chia sẻ thông tin nói xấu nhau trên facebook. Ở công sở là thế, nhưng khi về đến nhà, không ít ông bố, bà mẹ trẻ cũng ôm khư khư chiếc điện thoại trên tay để lên facebook. Chính điều này đã tác động và hình thành thói quen lạm dụng điện thoại của con trẻ, ít dành thời gian để học bài, đọc truyện, tham gia những trò chơi dân gian.

Trong giới học sinh, sinh viên, thời gian gần đây, một số hình ảnh thiếu văn hóa liên tục cập nhật phát tán trên mạng xã hội. Rỗi lúc nào là các em lên mạng lúc đó, đưa lên những lời bình phẩm thiếu văn hóa; thờ ơ với những vấn đề xung quanh, nhưng lại nhanh nhạy với những vấn đề nóng mà ở đó chẳng có thông tin gì bổ ích. Mới đây, tại một trường THCS của TP.Quảng Ngãi, một nhóm học sinh nữ bỏ giờ bị bảo vệ đóng cổng trường không cho vào lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm mời lên phòng Ban giám hiệu để viết kiểm điểm, nhưng nhóm học sinh này không những không viết kiểm điểm mà còn lấy điện thoại chụp hình cùng nhau rồi đưa lên facebook với lời bình: “Được Ban giám hiệu cho nghỉ học... nên tự sướng…”.  Và còn rất nhiều điều không hay khác nhưng không tiện nêu ra.

Facebook là một mạng xã hội mang tính kết nối, giải trí. Do đó, mỗi chúng ta nên sử dụng mạng xã hội này đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Việc tiếp nhận, chia sẻ hình ảnh, nội dung thông tin cũng cần có chọn lọc.

Phú Đức
 


.