Nếp nhà trong gia đình Việt

04:01, 03/01/2015
.

Gia đình là một tế bào của xã hội. Nói đến nếp nhà là nói đến văn hóa, giao tiếp, ứng xử trong gia đình. Xưa, ông bà ta đề cao việc gìn giữ nếp nhà như quan niệm: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nay, trong xã hội hiện đại, văn hóa gia đình truyền thống đang bị nhạt phai, văn hóa gia đình hiện đại chưa được xác lập rõ nét dẫn đến sự mất thăng bằng trong phát triển.

Nếp nhà xưa và nay
 

Lâu nay, nhiều người biết đến khái niệm “gia đình văn hóa” nhưng lại ít nhắc tới khái niệm “văn hóa gia đình”. Văn hóa gia đình hiện nay bao hàm các yếu tố truyền thống và hiện đại, thể hiện ở nền nếp, gia phong, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau và lan tỏa, kết nối cùng với các quan hệ xã hội khác.

Theo TS Trần Long (Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học KHXH-NV TPHCM), văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam chủ yếu chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học phương Đông, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo. Đến thời Pháp thuộc xã hội Việt Nam ảnh hưởng một phần văn hóa phương Tây, theo đó văn hóa gia đình truyền thống cũng có nhiều thay đổi.
 
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, những nét mới của văn hóa gia đình trong giai đoạn hội nhập có tác động tích cực về nhiều mặt. Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp (Phó trưởng khoa Văn hóa học - Đại học KHXH-NV TPHCM), quy mô hộ gia đình ngày nay càng thu hẹp theo hướng phát triển gia đình hạt nhân. Cách nuôi dạy con cái theo quan niệm cởi mở tạo cơ hội cho các cá nhân được phát triển bản thân, tự do trong lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, quan hệ hôn nhân ngày càng dựa trên cơ sở tình yêu nam - nữ.  Nhìn sâu hơn, văn hóa gia đình trong quá trình hiện đại hóa còn có những chuyển động tích cực trong vấn đề bình đẳng giới, vai trò người phụ nữ Việt Nam ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội.

Chung tay gìn giữ nếp nhà

Có thể thấy, văn hóa gia đình Việt hiện đại đang trong thời kỳ “quá độ” khi vừa gìn giữ những nét đẹp của gia đình truyền thống vừa tiếp nhận những tư tưởng mới trong bối cảnh công nghệ tấn công ồ ạt, thế giới mạng chuyển biến không ngừng. Và trong quá trình ấy, văn hóa gia đình Việt gần như đang có sự “mất thăng bằng”. Ở khu vực nông thôn, xu hướng xuất khẩu lao động, hoặc lao động di chuyển về các khu công nghiệp, khu vực đô thị trung tâm khiến nhiều gia đình thiếu vắng bố hoặc mẹ. Ở đô thị, hầu hết là các gia đình hạt nhân, cha mẹ tất bật với công việc, con cái chạy đua với lịch học, cha mẹ không còn thời gian nhiều dành cho việc nuôi dạy con cái.

Theo TS Đỗ Thị Ngọc Điệp, những yếu tố khách quan từ xã hội đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong văn hóa gia đình, khi những hoạt động giản đơn như việc cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau theo dõi một chương trình truyền hình, cùng bàn luận, chia sẻ về một vấn đề nào đó… đang dần vắng mặt trong đời sống hiện đại thì sự phát triển của những yếu tố mới như internet lại lên ngôi, tạo nên nhiều thế giới mới khiến các hoạt động giao tiếp giảm dần, giới trẻ trở nên khó kiểm soát và ít chia sẻ với gia đình. Đã có không ít gia đình, trong một thời gian dài không phát hiện được những dấu hiệu tự kỷ của con mình…

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta chỉ chú trọng tới giáo dục tri thức, đuổi theo kiến thức mà bỏ ngỏ giáo dục văn hóa gia đình. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới sự sa sút về đạo đức, rạn nứt các mối quan hệ, trách nhiệm và bổn phận của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh vai trò của các chủ trương chính sách trong việc định hướng phát triển văn hóa gia đình, bảo vệ những nền tảng truyền thống và tiếp thu cái mới một cách hợp lý thì ý thức tự giác của mỗi gia đình (ông bà, cha mẹ, vợ chồng) cùng chung tay trong việc nuôi dạy con cái, gắn kết giữa các thành viên sẽ bảo vệ gia đình khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài.


PHAN NGỌC/Báo SGGPO
 


.