Cập nhật lúc: 13:52, 25/12/2014 [GMT+7]
.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Cần hướng đi cụ thể


 Báo Quảng Ngãi - Sở VH-TT&DL đã công bố quy hoạch phát triển ngành văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, hiện trạng và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời gian tới đã được chỉ rõ.

TIN LIÊN QUAN

Giàu có về di sản văn hóa

Trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới, mới đây có dịp về làm việc tại Quảng Ngãi, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm (hiện là Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực văn hóa của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đoàn Ánh Dương) nhận định: “Quảng Ngãi rất giàu có về di sản văn hóa, kể cả trên đất liền và dưới nước”. Anh Lâm cho rằng, mảnh đất Quảng Ngãi đầy ấn tượng khi là quê hương của nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại 2.500-3.000 năm cách ngày nay. Là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực khảo cổ học dưới nước, anh Lâm khẳng định Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa biển. Cùng với “nghĩa địa” tàu cổ ở Bình Châu, chỉ một cuộc khảo sát nhỏ ở Lý Sơn anh đã phát hiện 2 con tàu cổ đắm chở theo gốm sứ và vật liệu xây dựng.
 
Khách tham quan tại Khu lưu niệm Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ).
Khách tham quan tại Khu lưu niệm Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ).

Sự “giàu có” về di sản văn hóa của Quảng Ngãi bao gồm cả về vật thể lẫn phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể thì gồm cả di tích khảo cổ học; di tích lịch sử, cách mạng; di tích kiến trúc, nghệ thuật. Toàn tỉnh hiện có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 171 di tích cấp tỉnh, có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ trong cộng đồng.

Sẽ đề nghị công nhận 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt
Theo quy hoạch đến năm 2015 ngành văn hóa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Di tích khảo cổ Sa Huỳnh là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đến năm 2020 đề nghị Nhà nước công nhận Khu chứng tích Sơn Mỹ, di tích Trường Lũy là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, đến năm 2020 cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước ra quyết định công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội cấp quốc gia.
Con đường đã “vạch”

Theo con đường đã “vạch” trong quy hoạch phát triển văn hóa của Quảng Ngãi thì nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay trong đời sống cộng đồng được chú trọng. Đây cũng là điều mà những người tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa đang mong đợi bởi một số di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta đang trên đà mai một. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người bận tâm là sự quyết tâm và hướng đi cụ thể của đơn vị chức năng để “bảo tồn sống” một cách có hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể.

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc sắp được đề nghị UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một thời loại hình nghệ thuật này không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Ông Trịnh Công Sơn-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật hát hố, bài chòi Quảng Ngãi cho rằng: “Có tính cộng đồng thì nghệ thuật bài chòi mới có thể sống được. Nhà nước cần sớm đẩy mạnh các giải pháp để đưa loại hình nghệ thuật đặc sắc này về lại với quần chúng nhân dân”.  

Đối với các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, định hướng phát triển văn hóa phi vật thể trong thời gian đến là sẽ có những biện pháp khuyến khích người dân trao truyền các làn điệu dân ca, hát đối đáp ca lêu, ca choi, chơi đàn P’roát, Krâu… Đồng thời có chính sách thỏa đáng cho các nghệ nhân, những tập thể và cá nhân gìn giữ tài sản văn hóa truyền thống. Việc phục hồi các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống trong cộng đồng sẽ được quan tâm hỗ trợ về kinh phí.

Liên quan đến di sản văn hóa vật thể, một thực tế đáng lo ngại hiện nay là nhiều di sản bị xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng, nhất là đối với di tích lịch sử, cách mạng. Mặc dù UBND tỉnh đã có quy định về phân cấp quản lý đối với các di tích lịch sử, cách mạng, thế nhưng thực tế thì nhiều di tích lại bị “lãng quên”.

Trao đổi về vấn đề phát triển văn hóa ở Quảng Ngãi, anh Nguyễn Tuấn Lâm tỏ ra nuối tiếc vì Quảng Ngãi chưa khai thác được lợi thế từ các di sản văn hóa. Anh Lâm bày tỏ quan điểm: “Cần thiết phải kết nối các di sản thành một tổng thể di sản để phục vụ phát triển du lịch. Giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Để làm được điều này cần phải tập trung sức lực toàn tỉnh chứ không riêng gì ngành văn hóa”. Hy vọng rằng, trên cơ sở quy hoạch chung, tỉnh ta sẽ có hướng đi cụ thể, đúng đắn, trong đó có những giải pháp mang tính cấp bách để bảo tồn và phát huy tốt các di sản văn hóa.


Bài, ảnh: Minh Anh


    
 
.
.