Ẩm thực hồn quê

02:12, 09/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những thức ăn ngon riêng biệt của người dân miền sông Trà - núi Ấn  đã dần dần trở nên quen thuộc với cư dân nhiều địa phương trong cả nước. Thế nhưng, thật đáng tiếc, ngay trên quê hương Quảng Ngãi, cho đến nay vẫn chưa có một khu vui chơi ẩm thực nào được đầu tư bài bản để giới thiệu “ẩm thực hồn quê” giúp thực khách có dịp nếm qua mùi vị những món ăn truyền thống của quê hương núi Ấn- sông Trà.

Thời kỳ đất nước ta mở cửa, hội nhập, hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ẩm thực đều rộng cửa tiếp xúc với văn hóa nước ngoài. Người Việt Nam bây giờ không mấy khó khăn để được thưởng thức những món ăn nổi tiếng thế giới như mì Ý, thức ăn nhanh Mỹ, xúc xích Nga, kim chi Hàn Quốc, lẩu Thái Lan…

 

Các em bé thích thú với cối xay bột gạo thủ công để đúc bánh xèo tại Nhà hàng Sông Trà.
Các em bé thích thú với cối xay bột gạo thủ công để đúc bánh xèo tại Nhà hàng Sông Trà.


Tuy nhiên, ở đâu và bao giờ cũng vậy, tinh hoa ẩm thực của một cộng đồng là những thức ăn, đồ uống có nguồn gốc từ nguyên liệu, hương liệu và cả gia vị bản địa thông qua cách thức chế biến đặc thù truyền lại từ nhiều thế hệ. Của ngon, vật lạ trong cõi nhân gian, dù có ngon, có quý đến mấy cũng không thể thay thế món ăn mà con người quen thuộc với đầu lưỡi từ tấm bé, gắn với những ký ức về gia đình, cộng đồng và không gian thưởng ngoạn.

Chính vì thế mà mấy năm gần đây khắp trong Nam, ngoài Bắc đã hồi sinh mạnh mẽ một xu hướng mà giới sành điệu gọi là “Ẩm thực hồn quê”.

Đó là sự trở lại của những món ăn mang hơi thở của ruộng đồng, quê kiểng 3 miền: Bánh gai, bún ốc, xôi sắn, nem nướng, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, mứt gừng, bánh xèo, rượu nếp than, nước lá vối, bánh bía, cá lóc nướng trui, lươn xào sả ớt… Những món ăn này tiếp tục hiện diện ở chốn quen thuộc từ bao đời là những hàng quán đơn sơ, mộc mạc ở đầu làng, bến đò, góc chợ để phục vụ những người lao động, khách làng quê. Người chế biến, người bày bán chủ yếu lấy công làm lời. Thực khách đến mua quà còn “mua” luôn những câu chuyện vui buồn chốn hương thôn.  

Bên cạnh đó, “bánh đa, bánh đúc” của làng quê lại tìm cách khoác lên mình một diện mạo mới để thâm nhập vào chốn thị thành, thậm chí ở những nhà hàng sang trọng. Thỏa lòng người Việt đã đành, những món quà quê ấy, kỳ lạ thay lại có sức quyến rũ người nước ngoài muốn khám phá cốt cách, tâm hồn Việt qua một nền ẩm thực có lịch sử cả nghìn năm.

 

Cô hàng don.
Cô hàng don.


Cùng với những món ăn dân dã, ruộng đồng là những thức ăn, đồ uống đã từ lâu trở thành thương hiệu Việt: Phở Bắc, chả cá Lã Vọng, bún bò Huế, bánh mì Sài Gòn, nem Thanh Hóa, mì Quảng, cao lầu Hội An, cá bống sông Trà kho tiêu Quảng Ngãi, lẩu mắm Nam Bộ, rượu Bàu Đá Bình Định, rượu Gò Đen Long An… Đặc điểm địa lý của một xứ sở nhiệt đới gió mùa, trải dài theo hướng Bắc Nam, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là núi cao, rừng thẳm đã khiến cho các món ăn của người Việt vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về hương vị.


Theo bước chân người Việt tha hương, các món ăn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa quê nhà đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, từ Toronto (Canada) đến Sydney (Australia), từ Paris (Pháp) qua London (Anh quốc), từ Texas (Mỹ) đến Cao Hùng (Đài Loan), từ Seoul (Hàn Quốc) đến Brasilia (Brasil)… Các đầu bếp chế biến những món ăn khéo léo ban đầu là người Việt, rồi dần dần là người bản xứ. Chúng ta không còn thấy lạ, khi nhìn thấy nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới hướng dẫn cách chế biến các món ăn Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực khách cũng vậy. Từ nhu cầu của người Việt tha hương được ăn những món ăn quê cha đất tổ, dần dần cái ngon, cách chế biến đơn giản mà hương vị lại độc đáo của món Việt đã thu hút người ăn sành điệu, thích khám phá văn hóa ẩm thực, rồi lan tỏa ra các cộng đồng cư dân lân cận, nơi người Việt sinh sống, làm ăn.

Món ăn bắt đầu từ nhu cầu ăn uống của con người, nhưng văn hóa ẩm thực thì không dừng lại nhu cầu mang tính sinh vật đó. Món ăn, thức uống bao giờ cũng bắt đầu bằng việc sử dụng những nguyên liệu, hương liệu bản địa, cách thức làm chín, làm ngon trao truyền qua nhiều thế hệ, kể cả không gian thưởng ngoạn, hứng thú thưởng thức của từng cộng đồng, vì thế ẩn hiện qua ẩm thực là hồn cốt của một xứ sở, một dân tộc. Người Việt thời nay có quyền được thích thú chọn lựa món ăn ngon khắp các xứ sở Tây, Tàu, Âu, Á nhưng cũng cần biết thưởng ngoạn, chế biến món ăn độc đáo của quê mình, của xứ mình, cũng như giới thiệu cái ngon, cái độc đáo của các món ăn đó cho nhân loại gần xa.

Mấy năm gần đây, tại các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, các festival ẩm thực trong cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều những gian hàng ẩm thực mô phỏng chợ quê, bến nước, sân đình với những cô hàng mặc áo bà ba Nam Bộ, đội nón Huế hay vận áo tứ thân tùy theo phong cách vùng miền mà nhà hàng lựa chọn. Nhiều nơi lại còn trang trí thêm chiếc xe thổ mộ Nam Kỳ, những đôi quang mây Bắc Bộ, lu nước gáo dừa miền Trung. Thực khách đến với các gian hàng ẩm thực này vừa để ăn uống, trò chuyện tâm tình, vừa tìm về một không gian ký ức, gợi nhớ những lối cũ, vườn xưa.

Những thức ngon riêng biệt của người dân miền sông Trà - núi Ấn như canh don, bánh xèo, cá bống kho tiêu, bánh bèo, ram nướng… đã dần dần trở nên quen thuộc với cư dân thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tuy Hòa (Khu du lịch Thuận Thảo), Hải Phòng, Cần Thơ, Phan Thiết (Mũi Né) và nhiều địa phương trong cả nước. Thế nhưng, thật đáng tiếc, ngay trên quê hương Quảng Ngãi, cho đến nay vẫn chưa có một khu vui chơi ẩm thực nào được đầu tư bài bản để giới thiệu “ẩm thực hồn quê” giúp thực khách có dịp nếm qua mùi vị những món ăn truyền thống của quê hương núi Ấn- sông Trà.

Món ăn Quảng Ngãi được nhiều người khen ngợi; nhiều món đã được xếp vào kỷ lục Việt Nam; bà con Quảng Ngãi sống xa quê luôn tự hào về ẩm thực quê nhà.

Đã đến lúc phải có những nhà hàng, khu vui chơi và thưởng thức ẩm thực phục vụ những món ăn độc đáo Quảng Ngãi, cho chính người Quảng Ngãi và cho khách du lịch gần xa.
 
Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh
 

.