Cập nhật lúc: 22:32, 29/11/2014 [GMT+7]
.

"Vườn mít Cô Hầu" ở Tây Sơn thượng đạo


(Báo Quảng Ngãi)- “Vườn mít, cánh đồng Cô Hầu” ở sâu trong rừng Mộ Điểu,thuộc xã Nghĩa An, huyện K’Bang (Gia Lai). Bây giờ ai đến đây rất khó để biết đó từng là nơi sản xuất lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn một thời gắn liền với người con gái Ba Na xứ này.

Vườn mít nuôi quân        

Theo hướng dẫn của anh cán bộ văn hóa xã hội xã Nghĩa An, huyện K’Bang (Gia Lai), chúng tôi vượt qua con dốc dài 6km, có một vài đoạn bê tông, còn lại là đất đỏ trơn trượt và dấu xe “bò vàng” trên con đường vào “vườn mít Cô Hầu”. Hỏi thăm cặn kẽ những người làm rẫy tại đây mới thấy được “mít Cô Hầu” sâu bên trong rừng. Đếm kỹ lưỡng, cũng chỉ có hơn 10 cây mít nằm rải rác ở đây, trong đó có 1 cây mít cổ thụ có thể “xem được” là hàng trăm năm tuổi, còn lại là những cây mít thế hệ “con cháu” so với cái thời Cô Hầu (vợ của Nguyễn Nhạc, tổng đầu lĩnh Tây Sơn thuở nào) trồng khoảng 1771-1773 khi nghĩa quân Tây Sơn hoạt động mạnh tại đây.  

 

Biển di tích ở khu di tích “Vườn mít Cô Hầu”.
Biển di tích ở khu di tích “Vườn mít Cô Hầu”.


Theo anh Đinh Đình Chi- Trưởng Phòng Văn hóa-thông tin-thể thao huyện K’Bang, Cô Hầu là con của 1 tộc trưởng ở làng Cổ Yêm. Nàng tên Ja Đố vốn xinh đẹp nổi tiếng trong vùng. Khi Nguyễn Nhạc tìm đến đây để “lấy lòng” vị tộc trưởng giúp mình trong việc quân binh, nàng Ja Đố “phải lòng” chàng trai người Kinh vùng xuôi vai rộng, mắt sáng làm cha mình “ưng cái bụng”.

Cảm tấm lòng của Ja Đố và để lấy lòng tộc trưởng, thuận lợi cho việc quân binh và thu phục lòng người  Xê Đăng, Jrai, Bana, Cheo Reo ở quanh vùng, Nguyễn Nhạc cưới Ja Đố làm vợ thứ ba. Giúp chồng, nàng Ja Đố hết lòng hết sức vận động phụ nữ và người làng trong vùng khai hoang vỡ ruộng, trồng mít nuôi quân đến hàng chục, hàng trăm mẫu nơi này. Có ý kiến còn cho rằng, ngoài làm quân binh, mít còn là thức ăn cho voi trong đội tượng binh do nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đứng đầu Tây Sơn ngũ phụng thư quản lĩnh. Không dừng lại ở đó, nàng Ja Đố còn giúp Nguyễn Nhạc khai khẩn đất đai màu mỡ ở đây thành căn cứ hậu cần, tuyển mộ rèn luyện binh mã và vũ khí cho nghĩa quân.

Ngày công thành danh toại, Nguyễn Nhạc lên ngôi đế, có đưa nàng Ja Đố về thành Quy Nhơn và phong làm thứ phi, được đối đãi tử tế trong cung. Thế nhưng, chẳng quen lễ nghi, không thích lầu son, nàng Ja Đố chỉ muốn tình yêu, muốn có Nhạc như ngày về với dân làng: Đóng khố, bắp tay bắp chân vạm vỡ thi thố quyền cước, kiếm cung với trai làng. Nguyễn Nhạc thì bận việc binh và nhiều điều phải chọn khác, có biết đâu nỗi lòng sơn nữ Ba Na thuở nào. Thế là nàng thứ phi bỏ lầu son gác tía về lại với vườn mít, đồng lúa đầy ắp kỷ niệm ngày gặp chàng Nhạc ngày xưa. Cuối cùng nàng ra đi trong “khối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan”.    

Theo anh Đinh Đình Chi, nàng Ja Đố chết được dân làng táng trên đỉnh núi, nhưng mộ bây giờ ở đâu thì không ai biết. Bà ấy có sinh con cho Nguyễn Nhạc không, cũng không ai chép, không ai biết. Chỉ có dân làng ở đây là nhớ nàng Ja Đố, mỗi khi cúng Yàng thì khấn nàng sau thần núi và thần nước (Yang Kông, Yang Đak). Trong tiếng cồng chiêng vang dội, trong khấn của già làng đều có câu: “Ớ thần núi thần sông/Ớ bà Yă Đố/Lũ làng xin mời về…”.

 Anh Chi giải thích, chữ “Hầu” trong Cô Hầu không phải là tước danh, mà nó giống như “con hầu”, nhưng khi thành vợ Nguyễn Nhạc, có danh phận rồi  nên gọi là Cô Hầu. Những việc nàng Ja Đố làm, sách ghi chép lại còn quá ít, nhưng những gì Ja Đố làm thì còn đó, như di tích vườn mít bây giờ cứ sống mãi với thời gian.

“Vườn cam Bà Xuân” chìm trong biển nước

Anh Đinh Đình Chi cho biết thêm, tại K’Bang không chỉ có “Vườn mít Cô Hầu”  mà còn di tích “Vườn cam Bà Xuân” ở xã Đăk Smar. Tương truyền, khi ở vùng này luyện binh, nữ tướng Bùi Thị Xuân có trồng vườn cam tại đây, cách “Vườn mít Cô Hầu” trên 20km. Ngày làm Bí thư Đảng ủy xã Đăk Smar, anh Chi thấy vườn cam này vẫn còn, và người dân tại đây cũng đặt tên làng mình là làng Cam. Có thể ngày trước ấy, nữ tướng Bùi Thị Xuân có ơn với dân làng, nên chăng vì cảm kích mà dân làng đặt tên làng là Cam để nhớ nữ tướng?

Mít cổ thụ còn sót lại trong di tích “Vườn mít Cô Hầu”.
Mít cổ thụ còn sót lại trong di tích “Vườn mít Cô Hầu”.


Theo anh Chi, vườn cam này rộng 2-3ha, cây tuy lác đác, nhưng nhiều cây cam đã to như thân người ôm. Dân làng hay người dân đi rừng qua vườn cam này đều hái cam ăn, nó không ngọt như cam trồng, vì đã quá nhiều năm, cây này chết cây khác mọc lên, nó thành cam rừng. Có điều, làng Cam và “Vườn cam Bà Xuân” là vùng đất đẹp, khách phương xa rất thích khi được đến đây tham quan.

Ngày làm phim “Đất nước đứng lên”, đoàn làm phim đã về mượn làng Cam, “Vườn cam Bà Xuân” để làm bối cảnh quay trong phim này”, anh Chi cho hay. Thế rồi chính anh Chi cũng tiếc: Cách đây 4-5 năm, cả làng Cam, “Vườn cam Bà Xuân” đều chìm trong biển nước của hồ thủy điện An Khê-Ka Nak. “Muốn phục dựng lại cũng khó, bởi mình chưa tìm hiểu được gì, lấy được gì của người xưa để lại từ di tích này” anh Chi nói.


Và, dường như trong quần thể Tây Sơn thượng đạo được ghi nhận là di tích quốc gia, không có di tích “Vườn cam Bà Xuân”?
Bài, ảnh: PHẠM ANH
 
.