"Học Bác lòng ta trong sáng hơn"

09:10, 13/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua những câu chuyện rất đỗi đời thường của Bác Hồ, mỗi chúng ra sẽ rút ra bài học quý giá cho bản thân mình. Bài học làm người, bài học để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Bộ sách ”Học Bác lòng ta trong sáng hơn” (do NXB Văn học ấn hành năm 2014) mang đến cho độc giả hàng nghìn câu chuyện đời thường của vị lãnh tụ kính yêu.  
    

Chỉ từ một chiếc đồng hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cho mọi người thấy rằng, chỉ có đoàn kết mới làm nên việc lớn. Năm 1954, các cán bộ tham gia cải cách ruộng đất đang dự hội nghị tổng kết ở Hiệp Hòa (Hà Bắc cũ) thì Trung ương có lệnh rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi, khiến cho ban lãnh đạo ít nhiều khó xử.

Giữa lúc đó Bác Hồ đến thăm, Bác rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ và bảo: Các chú có trông thấy cái gì đây không? Mọi người đồng thanh: Cái đồng hồ ạ. Bác lần lượt hỏi kim ngắn, kim dài, cái máy bên trong dùng để làm gì và bộ phận nào quan trọng nhất trên chiếc đồng hồ, bỏ bớt một bộ phận có được không? Sau khi nghe mọi người trả lời, Bác nói: Các chú ạ, các bộ phận trên chiếc đồng hồ cũng ví như một cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm chữ số, anh máy đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ... cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không? Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện cái đồng hồ đã khiến cho mọi người thấm thía.  

Ngày 14.7.1969, chưa đầy 2 tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mác-ta Rô-hát, phóng viên Báo Gran-ma, Cu Ba. Bác nói: “Đồng chí hỏi rằng, theo ý tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự mạnh mẽ của nhân dân thế giới”.

Những mẩu chuyện trên được nêu trong cuốn sách có chủ đề “Đoàn kết” thuộc bộ sách “Học Bác lòng ta trong sáng hơn”. Bộ sách “Học Bác lòng ta trong sáng hơn” có 10 cuốn với các chủ đề: Đoàn kết; bao dung; cần kiệm; đạo đức; giản dị; liêm chính; nhân ái; trí tuệ; lạc quan. Trong cuốn “Trí tuệ” có mẩu chuyện về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bác Hồ đã hỏi một nhà lý luận: Chú đã học, đã dạy Triết học Mác-Lênin ở các trường Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, vậy chú có biết chủ nghĩa xã hội Việt Nam là gì? Nói tóm tắt trong vài chữ thôi. Nhà lý luận suy nghĩ hồi lâu rồi thưa: Vài chữ thì khó lắm. Thưa Bác, cháu chịu ạ. Bác nói: Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là 5 chữ: Lý kết hợp với Tình.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ. Trong cuộc mít-tinh có hàng vạn người dự ở thủ đô Delhi. Các bạn Ấn Độ để sẵn một cái ghế trên bục danh dự cho Bác Hồ. Chiếc ghế trông như một ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là J.Neru  ngồi chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng J.Neru mời Bác Hồ ngồi vào ghế, Bác dứt khoát từ chối. Thủ tướng Ấn Độ J.Neru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc ngài ngồi trên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự cho chúng tôi. Hai vị lãnh tụ của hai nước nhường nhau chiếc ghế lớn. Cuối cùng, Thủ tướng J.Neru đành cho mọi người thay bằng chiếc ghế khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng nghìn người dưới vỗ tay hoan hô: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Những mẩu chuyện tuy nhỏ nhưng bài học đối với mỗi chúng ta thật lớn lao. Càng đọc, càng ngẫm mới thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta vĩ đại nhường nào!


PHƯƠNG LÝ


 


.