Phát thanh viên với giọng địa phương: Nên hay không?

02:09, 01/09/2014
.

Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa một số phát thanh viên mới nói giọng địa phương (Nam Bộ, miền Trung…) lên hình, có lẽ với mong muốn làm phong phú thêm “phần tiếng” trong các buổi lên sóng. Tuy nhiên, việc này cũng đã nhận được phản ứng khác nhau từ phía khán giả. Vậy nên nhìn nhận việc này thế nào?
 

Phát thanh viên nói giọng Huế trong Bản tin Thời sự 12h ngày 6/8/2014  của VTV.
Phát thanh viên nói giọng Huế trong Bản tin Thời sự 12h ngày 6/8/2014 của VTV.


Mới đây nhất (ngày 6/8/2014), khán giả cả nước được làm quen với 1 nữ biên tập viên với chất giọng Huế trong chương trình thời sự buổi trưa của VTV. Ngay lập tức, việc này đã nhận được phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng mạng, phân hóa thành hai chiều trái ngược nhau.

Không ít người ủng hộ sự thay đổi theo chiều hướng mới này của VTV và cho rằng đài truyền hình quốc gia nên mở rộng.

Những ý kiến đồng tình cho rằng “giọng nói của biên tập viên này dễ nghe và truyền cảm vì cách phát âm và tốc độ nói rõ ràng, xứng đáng dẫn sóng bản tin Thời sự”; “Mình rất thích nghe giọng Huế, nhỏ nhẹ, dễ thương. Không biết mọi người thế nào chứ riêng mình thấy việc chọn một biên tập viên giọng miền Trung dẫn thời sự cũng có một phần ý nghĩa. Biên tập viên người Bắc, Nam đã có rồi, nay thêm một cô miền Trung nữa cho có ý nghĩa toàn dân, không phân biệt vùng miền”; v.v...

Tuy nhiên, ý kiến phản đối lại khá nhiều và có phần gay gắt.

“Tôi không thể nghe được giọng của biên tập viên này. Giọng cô ấy rất nặng, nghe rất mệt tai”; “Không nên địa phương hóa đài truyền hình Trung ương vì đã có các đài địa phương nói giọng địa phương rồi. Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, cần các phát thanh viên nói giọng chuẩn, dễ nghe. Cô phát thanh viên nói tiếng Huế trong chương trình bản tin trưa tôi nghe mà chẳng hiểu gì”; “Biên tập viên phải nói giọng chuẩn phổ thông chứ nói tiếng địa phương thì ai nghe cho được? Mình nói cả ngàn, cả triệu người nghe chứ đâu chỉ cho vài người nghe đâu. Nhỡ có những từ địa phương mà người nghe không cùng quê với biên tập viên sẽ dẫn đến nhầm lẫn hiểu sai thông tin”; “Biên tập viên này nói như thế mà vẫn có người khen chị ấy phát âm chuẩn là sao? Dấu hỏi cho hết về dấu nặng, dấu ngã cho hết về dấu sắc. Thế thì chuẩn ở chỗ nào?”; v.v...

Phản ứng của dư luận như trên, theo tôi, là bình thường và cần thiết. Điều đó chứng tỏ mọi người rất quan tâm tới vai trò của tiếng Việt trên các cơ quan truyền thông đại chúng.

Theo dõi và lắng nghe những ý kiến tranh luận này, tôi cũng xin tham góp một ý kiến hoàn toàn với tư cách cá nhân chứ không phải là tiếng nói “đại diện” cho dân ngôn ngữ học (vì thực tế vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu kĩ càng, thậm chí phải dựa trên những văn bản pháp quy).

Tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc Việt và hiện đang là ngôn ngữ chính thức của một quốc gia (Việt Nam) với khoảng 90 triệu dân.

Giống như nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt cũng phân chia thành nhiều vùng phương ngữ khác nhau (mà các nhà ngữ học thống nhất phân ra 3 vùng chính: phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ, phương ngữ Nam Bộ). Dĩ nhiên, lại còn có nhiều tiểu vùng khác nhau nữa.

Sự phân biệt phương ngữ căn cứ vào nhiều tiêu chí, nhưng sự khác biệt về ngữ âm được coi là sự khu biệt lớn nhất, rõ nhất. Trong các biến thể phương ngữ, phải công nhận là tiếng Hà Nội (đại diện cho phương ngữ Bắc Bộ) có nhiều ưu thế hơn cả.

Tiếng Hà Nội phản ánh chính xác hệ thống âm vị đoạn tính (thể hiện bằng các chữ cái như a, n, ô,…), chỉ duy nhất không phân biệt 3 âm quặt lưỡi (r, s, tr, ví dụ: ra/gia; sống/xống; trâu/châu) và bảo lưu đầy đủ hệ thống 6 thanh điệu “không dấu, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng” (tức là khi nói thì dấu nào rõ dấu ấy). Hệ thống từ ngữ của người Hà Nội cũng đầy đủ và gần với ngôn ngữ toàn dân hơn. Đơn giản vì là một thành phố lớn, lại là thủ đô, thành phần cư dân đa dạng, sự giao lưu, hòa nhập rõ ràng đã giúp cho ngôn ngữ Hà Nội giữ nguyên được những nhân tố tích cực và loại bỏ những nhân tố dễ gây trở ngại cho giao tiếp.

Nhưng ngôn ngữ mỗi vùng miền lại có cái chuẩn riêng, như tiếng các địa phương (ở khu vực Vinh, Huế, Sài Gòn) hội đủ những nét đặc trưng của các miền địa lí khác nhau và không thể nói là vùng nào quan trọng hơn vùng nào (Vinh, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn… đều là những thành phố lớn có tiếng nói đại diện cho cả một khu vực). Hiện chưa có một văn bản, điều luật nào quy định bắt buộc phải coi tiếng Hà Nội là chuẩn quốc gia (mà các cơ quan Nhà nước và các cơ quan truyền thông phải tuân theo). Chỉ có điều, các cơ quan truyền thông Nhà nước trên địa bàn Hà Nội thường dùng tiếng Hà Nội làm chuẩn và cũng vì tiếng Hà Nội hội tụ được nhiều yếu tố phương ngữ khác nên có một quy ước “ngầm” coi tiếng Hà Nội chính là tiếng chuẩn nên mới có những phản ứng như trên đã nói.

Ngôn ngữ học chấp nhận (và khuyến khích) sự thống nhất trong đa dạng. Việc VTV giới thiệu, đưa lên sóng các phát thanh viên nói giọng khác nhau tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Đã có biên tập viên nói giọng Nam, giờ thêm các biên tập viên nói giọng Huế (hay Nghệ An, Đà Nẵng…) sẽ làm phong phú thêm bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt. Người nghe có cơ hội tiếp xúc với một chất giọng mới, có thể ít nhiều gây trở ngại khi mới tiếp nhận, nhưng rồi cũng sẽ quen.

Cũng phải nói thêm “sự phản ứng dữ dội” cũng chủ yếu của khán giả phía Bắc chứ với hàng triệu, hàng triệu người miền Trung và miền Nam thì điều này không những không xa lạ mà trái lại, rất thú vị, rất đáng tự hào. Hơn nữa, sự thống nhất, chuẩn hóa trên văn bản mới là điều quan trọng.

Các phát thanh viên này sẽ sử dụng một văn bản (chuẩn bị trước) mang tính toàn dân, có nghĩa là không có nhiều từ địa phương ít dùng, khó hiểu. Còn việc họ phát âm nặng, phát âm mất thanh điệu (Hà Tĩnh thành Hà Tỉnh), phát âm lạc âm tiết (Sài Gòn thành Sà Goòng, Việt Nam thành Giệc Nam, lan man thành lang mang…) thì đó là nét riêng cần tôn trọng. Chính những sự khác biệt đó làm nên “đặc sản” thú vị của các phương ngữ vùng miền mà chúng ta nên lưu giữ và bảo tồn. Không thể có chuyện một ngôn ngữ mà cả triệu người đều nói giống nhau như một.

Tất nhiên, lời ăn tiếng nói của Thủ  đô Hà Nội vẫn đang được toàn dân hướng tới (theo quy luật hướng tâm). Trong xu hướng phát triển và hội nhập, ranh giới vùng miền trong phương ngữ đang bị nhòe đi, có khi mất hẳn. Đó là một điều đáng tiếc. Chúng ta nên biết trân trọng và giữ gìn phương ngữ nếu có cơ hội. Thế nên, việc các phát thanh viên của VTV nói giọng khác giọng Hà Nội theo tôi là đáng khuyến khích.



PGS.TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và  Bách khoa thư Việt Nam)

Nguồn: Chinhphu.vn


.