Di tích lịch sử, văn hóa Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán: Chưa được phát huy hiệu quả

02:09, 14/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc ở phía tây TP.Quảng Ngãi, thuộc phường Quảng Phú. Dù được công nhận di tích lịch sử, văn hóa hơn 20 năm qua, nhưng những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích này vẫn chưa được phát huy hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm và ghi nhận công lao to lớn của Bùi Tá Hán và các bậc tiền hiền trong công cuộc mở rộng bờ cõi, giữ gìn đất nước. Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự của tác giả Mai Thị thì Bùi Tá Hán sinh năm 1496, mất năm 1568. Ông người gốc Châu Hoan (nay tỉnh Nghệ An), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông  gắn liền với vùng đất Thừa tuyên Quảng Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi ngày ngay.

 

Đền thờ chính.
Đền thờ chính.


Truyền thuyết ghi danh rằng, Bùi Tá Hán là người có công lấy lại đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc. Sau đó, dưới quyền cai trị của mình, ông đã thực hiện một số chính sách an dân, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, vừa giữ an ninh, vừa phát triển mối đoàn kết Kinh - Thượng và giao thương ngược xuôi, được nhân dân sùng kính. Cụ thể là, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Bùi Tá Hán theo ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim đã lập được nhiều công tích. Sau khi được phong Bắc – quân - đô - đốc- Phủ - chưởng - phủ - sự, ông trấn nhậm và lập nghiệp ở Thừa tuyên Quảng Nam, một trong 13 thừa tuyên của cả nước thời bấy giờ. Và cái chết của ông được lưu truyền trong dân gian rằng, ông đã “hiển thánh”.

Hiện nay, trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu (thường gọi là Xích Y). Đến tham quan tại đây, du khách chắc chắn sẽ được thưởng ngoạn nhiều sắc phong của các triều vua Tây Sơn và triều Nguyễn, nhiều thơ, liễn đối phúng điếu của các quan lại và các bậc túc nho trong tỉnh. Trong khuôn viên đền thờ còn có những ngôi mộ cổ mà hiếm nơi nào có được. Song, điều đáng nói ở đây là, di tích này chưa được ngành văn hóa quan tâm đúng mức nên chưa được khai thác kết nối với các di tích khác trong tỉnh để phát triển du lịch.

Dù nằm không xa trung tâm thành phố, nhưng đến đây chúng tôi như có cảm giác về với vùng quê nông thôn. Các ngôi mộ cổ không có mái che nên phơi mình dưới nắng mưa. Bà Võ Thị Hoa, vợ của người được giao trông coi đền thờ cho biết: Từ nhiều năm nay, con cháu họ tộc Bùi khắp nơi trong cả nước đã quy tụ về thắp hương tưởng nhớ công lao của Bùi Tá Hán ngày một nhiều hơn, đóng góp công sức để chỉnh trang khu vườn và sửa chữa nhỏ đền thờ. “Tuy nhiên, do đền thờ được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, thiếu các khu phụ trợ, cảnh quan khuôn viên chưa xứng tầm là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia”, bà Hoa bộc bạch.

Được biết, mới đây UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí thức hiện dự án: Trùng tu, xây dựng và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán. Đây là việc làm cần thiết, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, tưởng nhớ công ơn, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và truyền thống dựng nước,  giữ nước của cha ông cho thế hệ mai sau.

Theo đó, tổng kinh phí đầu tư hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 70%, còn lại là của địa phương. Các hạng mục dự kiến sẽ thực hiện, gồm: Cải tạo mặt bằng, tu bổ đền nhà chính, nhà trù, bia mộ, bia công trạng; xây dựng nhà đông và nhà tây với diện tích mỗi nhà  120m2; xây dựng mái che bia mộ; đường giao thông nội bộ; cảnh quan cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng…


Hy vọng với sự quan tâm đó, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia này sẽ được phát huy hiệu quả trong thời gian đến.
            

  Bài, ảnh: Phú Đức

 


.