Gặp nhà văn Anh Đức trong rừng

09:08, 25/08/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Tôi còn nhớ, năm 1965 kỳ thi tốt nghiệp PTTH (lớp 10 - hệ 10 năm) chúng tôi thi đề văn về tác phẩm “ Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc”, trong đó chủ yếu là “Bức thư Cà Mau” của nhà văn Anh Đức gửi nhà văn Nguyễn Tuân.

TIN LIÊN QUAN


Thực ra, những bức thư ấy là những bút ký văn học của nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) viết ngay từ chiến trường miền tây Nam Bộ, với giọng văn vừa tình cảm, vừa điềm tĩnh phản ánh cuộc sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ở mũi đất cuối cùng của Tổ quốc-mũi Cà Mau-“như ngón chân cái còn chưa khô bùn vạn dặm” (Nguyễn Tuân).

 

Nhà văn Anh Đức. Ảnh Internet
Nhà văn Anh Đức. Ảnh Internet


Đó là thời điểm Mỹ vừa mở rộng cuộc chiến tranh ra cả hai miền Nam-Bắc. Có thể coi đó là tác phẩm “nóng” nhất hồi ấy từ miền Nam gửi ra, nên được bạn đọc miền Bắc đón nhận với rất nhiều tình cảm và sự quan tâm.

Tác phẩm này cũng lập tức được đưa vào phần đọc thêm trong sách giáo khoa, và đưa chính thức vào đề thi môn Văn tốt nghiệp PTTH năm 1965 ở miền Bắc. May quá, trước đó tôi đã đọc tác phẩm này với nhiều thích thú, cộng tình cảm quê hương miền Nam, nên bài thi của tôi làm khá tốt, dẫn chứng cũng ổn (vì có những đoạn thư Anh Đức tôi thuộc lòng). Kết quả, tôi được 5 điểm môn thi Văn (ngang điểm 10 bây giờ), và được xét tuyển thẳng vào khoa Ngữ Văn đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1965-1969. Vậy cũng một phần nhờ nhà văn Anh Đức giúp đỡ mà tôi được vào đại học.

Năm 1971, khi vào Nam Bộ làm phóng viên chiến trường cho Đài Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam thuộc ngành tuyên truyền Binh vận, tôi đã “ủ mưu” làm thơ, vì thế Ban Văn Nghệ R (Trung ương Cục) là địa chỉ tôi thường quan tâm nhiều. Ở cơ quan tôi lại có một nhà văn người Nam Bộ là anh Lưu Kiểng Xuân (Tư Xuân)-nguyên trung úy lái trực thăng của không quân Sài Gòn- nhưng là cơ sở cách mạng và đã lên chiến khu tham gia vào tiểu ban tuyên truyền Binh vận.

Tôi với anh Tư Xuân hay đàm đạo về văn học và anh Tư Xuân thường nhắc tới các nhà văn Trang Thế Hy, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng đang công tác bên Ban Văn Nghệ. Có một lần, chính Tư Xuân đã rủ tôi đi xe đạp tìm sang “cứ” B2-Văn Nghệ thăm các nhà văn mà chúng tôi mến mộ, dù tôi chưa được gặp họ lần nào.

Buổi sáng, chúng tôi đạp xe từ “cứ” Binh vận mất khoảng 1g30’ thì tới Ngã Tư Nước Đá thuộc đất Campuchia. Tên là lạ này do lính ta đặt cho cái ngã tư chẳng có gì đặc biệt, ngoài một quán nước lèo tèo, bán vài món giải khát rẻ tiền như sâm bổ lượng, thạch đen.

Điều đặc biệt nhất ở quán này là… nước đá. Uống nước giải khát trên mảnh đất lúc nào cũng nóng ran mà có vài cục đá lạnh thì… đã thiệt! Tôi với Tư Xuân dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này, mỗi người vô quán làm một cốc nước đá sâm bổ lượng cho… mát mẻ, rồi mới chịu lên đường đi tiếp. Gần trưa mới tới B2 thì hay tin nhà văn Trang Thế Hy đã đi xuống chiến trường đồng bằng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã lên đường ra Bắc an dưỡng do đau ốm.

Chúng tôi hơi buồn. May được gặp nhà văn Anh Đức vốn quen biết với Tư Xuân. Tôi mừng quá, chợt nhớ chuyện mình thi đề văn tốt nghiệp trung học về tác phẩm của Anh Đức, nhưng mới gặp nhà văn lần đầu nên tôi không dám kể. Vợ chồng nhà văn Anh Đức ở trong một ngôi nhà nhỏ mái lợp lá trung quân, nhà đơn sơ nhưng gọn gàng ngăn nắp.

Chị Loan-vợ Anh Đức-quê gốc Hà Nội nhưng đã lặn lội vượt Trường Sơn vào Nam theo chồng. Anh Chị cũng đã có một cháu bé trai. Cả hai vợ chồng đều gầy ốm, nước da xanh tái, dấu vết của những trận sốt rét rừng.

Anh Đức tiếp Tư Xuân và tôi rất niềm nở, lúc ấy cũng gần trưa, vợ chồng anh thịt hẳn một con gà nhà nuôi đãi cơm chúng tôi. Ở rừng, đó là chuyện lớn, ít nhất là đối với chúng tôi. Đã khá lâu rồi tôi không biết mùi thịt gà là gì. Vì phải rất khó khăn mới nuôi được một con gà trong rừng. Có lẽ vợ chồng Anh Đức nuôi gà vì có con nhỏ, nuôi gà lấy trứng cho con bồi dưỡng. Trong bữa cơm, đúng ra Tư Xuân mới là nhân vật chính, còn tôi chỉ ăn theo.

Anh Đức cũng chẳng biết tôi là ai, ngoài là một cậu lính làm báo và mê văn nghệ. Nhưng tôi rất vui, ăn theo mà được ăn theo… thịt gà thì quá tươm! Tôi để ý thấy nhà văn Anh Đức nói năng nhỏ nhẹ, chị vợ anh còn nhỏ nhẹ hơn. Vậy mà khi ấy Anh Đức đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhiều trận xuống chiến trường đồng bằng, ăn chịu với bom đạn khiến tôi rất ngưỡng mộ.

Những chuyện nhỏ, chuyện vui trong mâm cơm với một nhà văn nổi tiếng nhưng điềm đạm như thế đã cho tôi hình dung về cách sống và công việc của một nhà văn ở chiến trường. Anh Đức kể về trận càn lịch sử năm 1970, gia đình anh đã phải vất vả như thế nào khi cùng cơ quan chạy càn, lại vừa phải mang bản thảo, chỉ sợ mất hay thất lạc. Buổi chiều, chia tay gia đình nhà văn Anh Đức, tôi với Tư Xuân lại lóc cóc đạp xe ra về, qua một trảng cỏ voi thiệt rộng.

Chúng tôi đạp xe theo lối mòn, và tôi chợt để ý thấy chi chít những dấu chân người in trên lối mòn chưa kịp khô sau cơn mưa. Có lẽ một đơn vị bộ đội vừa hành quân qua đây để ra chiến trường. Buổi tối về “cứ”, tôi viết luôn được bài thơ “Những dấu chân qua trảng cỏ”, sau này thành tựa đề chung cho tập thơ đầu tay của tôi “Dấu chân qua trảng cỏ”.

Tính ra, dù chưa được gặp nhà văn Trang Thế Hy và Nguyễn Quang Sáng, nhưng lại được gặp nhà văn Anh Đức, được ăn thịt gà do Anh Đức chiêu đãi và nhất là, cuối cùng viết được bài thơ không đến nỗi nào. Tôi biết ơn nhà văn Anh Đức vì điều đó.

Sau này, tôi cũng rất ít khi có dịp được gặp nhà văn Anh Đức, nhưng lần gặp anh đầu tiên trong rừng là một kỷ niệm đẹp khó quên với tôi, một “lính mới” yêu văn học vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường Nam Bộ.

Xin vĩnh biệt Anh, nhà văn Anh Đức!

 


.