Làm báo 25 năm trước

01:07, 01/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bắt đầu từ ngày 1.7.1989, các cơ quan của tỉnh Quảng Ngãi mới bắt đầu làm việc. Trên danh nghĩa là vậy, song ngay từ tháng 4, các “văn phòng 2” của một số cơ quan đã khởi động. Báo Quảng Ngãi cũng vậy.

Hồi ở Quy Nhơn, tôi có cộng tác một số bài cho Báo Nghĩa Bình. Các báo địa phương lúc bấy giờ, tuần ra 1-2 số nên việc “chen chân” để được đăng bài là cực kỳ khó. Nhưng tôi thì được đăng bài khá thường xuyên. Số là năm 1988, tỉnh Nghĩa Bình chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh lúc ấy chuẩn bị in một loạt đầu sách liên quan đến người anh hùng áo vải và đội quân bách chiến bách thắng của nhà Tây Sơn mà tôi là biên tập viên của Phòng Văn nghệ, được đọc hầu hết các bản thảo trước khi mang vô Sài Gòn in sách. Vì vậy, những bài viết liên quan đến nhà Tây Sơn hầu như tôi “chiếm lĩnh” trên Báo Nghĩa Bình. Tôi bắt đầu mon men với nghề báo từ lúc ấy. Nhưng khi chia tỉnh, tôi vẫn thuộc biên chế của Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi.

 

Báo Quảng Ngãi đã có sự phát triển vượt bậc sau 25 năm. Báo Quảng Ngãi số đầu tiên và một số ấn phẩm mới xuất bản gần đây.
Báo Quảng Ngãi đã có sự phát triển vượt bậc sau 25 năm
(Báo Quảng Ngãi số đầu tiên và một số ấn phẩm mới xuất bản gần đây)


Lúc chia tỉnh, Báo Quảng Ngãi chưa đến chục người từ Quy Nhơn về. Sau vài tháng, báo tuyển thêm một số nữa như anh Từ Kim Dũng, Lê Đức Vương, Phạm Phú Tiềm… nhưng đội ngũ phóng viên thì vẫn lèo tèo. Dù là 10 ngày mới ra một số, song nhu cầu tuyển phóng viên lúc ấy là có thật. Một hôm, anh Tạ Mỹ Khê, Phó Tổng biên tập, gặp tôi và đề nghị: “Em muốn về báo không?”. Sẵn dịp bên Sở Văn hóa Thông tin chẳng có việc gì làm ngoài chuyện “truy lùng” các quán cà phê chiếu phim “ngoài luồng” để phạt, một công việc mà tôi rất dị ứng nên luôn luôn “né” mỗi khi sếp bắt đi làm, tôi gật đầu ngay trước lời đề nghị “hấp dẫn” ấy của anh Tạ Mỹ Khê. Tháng 10 năm đó, tôi chính thức về Báo Quảng Ngãi sau khi ông Hồng Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin “động viên” tôi ở lại mà không được.

Đã 25 năm rồi mà tôi chẳng thể quên ngày đầu tiên anh Trương Đình Chiểu, Quyền Tổng biên tập lúc ấy phân công tôi đi viết tin. Ông chìa gói 555 (anh Chiểu chuyên hút ba số) đầy mê hoặc trước mặt tôi rồi bảo: “Làm điếu cho… thơm râu rồi lên Ủy ban nhân dân tỉnh đang có cuộc họp Hội đồng nhân dân, em viết tin ngay để chiều mang bài ra Đà Nẵng in đấy!”. Thú thật, thuốc ba số rất ngon với tôi lúc ấy nhưng nghe sếp giao việc, tự nhiên miệng đắng ngắt! Tâm lý sợ sệt khi phải “viết ngay” nó át đi cái cảm giác ngon vì điếu thuốc.

 Dù tôi đã bắt đầu viết báo nhưng mà viết ngẫu hứng, viết những lĩnh vực mà mình hiểu biết, đàng này lại bắt viết về… kỳ họp hội đồng, nghe xa lạ làm sao! Nhưng sếp bảo, cấm có cãi. Tôi đạp xe lên Ủy ban nhân dân tỉnh, vào luôn cuộc họp. Cô nhân viên phát ngay cho một xấp tài liệu, nặng muốn… khuỵu tay. Tôi lật xem qua toàn bộ báo cáo, dễ có đến vài chục trang A4. Một câu hỏi đầy “bất an” xuất hiện ngay trong đầu: “Ngần ấy tài liệu mà làm cái tin, viết sao bây giờ?”. Tôi đã đánh vật với bản tin chừng vài trăm chữ mà xuyên cả buổi trưa, chả màng đến cơm nước. Tôi kể lại chuyện này để các đồng nghiệp mới vào nghề, nhất là những ai chưa qua trường lớp báo chí như tôi, cũng đừng quá hoang mang lo sợ mình không thành… nhà báo. “Nhà” gì rồi cũng thành, nếu mình yêu cái “nhà” ấy.

Làm được ba tháng, tôi chuyển sang bộ phận đi in báo tại Đà Nẵng cùng với anh Lê Hồng, một phóng viên kỳ cựu từ Báo Nghĩa Bình. Cứ 10 ngày là anh Lê Hồng ôm một chồng bản thảo, nhiều bài báo còn nguyên chữ viết tay, ra Đà Nẵng. Hết phiên anh Hồng là đến lượt tôi. Hồi đó không có di động, meo miếc gì nên người được phân công đi in báo phải là người biết “cắt gọt” hoặc “thêm thắt” vào bài báo nếu bộ phận nhà in yêu cầu biên tập cho vừa diện tích khổ báo. Việc này thì tôi có kinh nghiệm từ hồi còn làm biên tập cho tập san Văn hóa Nghĩa Bình. Cho đến khi Nhà xuất bản Quảng Ngãi mua được máy in “đời cô Lựu”, xếp chữ chì chứ không xếp chữ bằng máy vi tính như Đà Nẵng thì chúng tôi mới chấm dứt hành trình Quảng Ngãi-Đà Nẵng 10 ngày/lần!

Mười ngày một số, ấy thế mà bài vở vẫn “đọc được”, nghĩa là tính thời sự của nó vẫn không bị quá “thiu”, ấy là cái tài của các anh trong Ban biên tập vậy.

Tôi đã bước chân vào nghề báo bằng cái tin 200 chữ và 10 ngày 1 lần mang bài ra Đà Nẵng để in như thế. Mới đó mà đã 25 năm rồi. Bây giờ, một phóng sự 2.000 chữ, tôi có thể viết trong vài giờ nhưng cái bản tin 200 chữ làm tôi toát mồ hôi ở Báo Quảng Ngãi dạo nào đã thành “tay vịn” để tôi bước ra đường lớn. Tôi chẳng thể nào quên.

Trần Đăng

 


.