Nhân 95 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Viết Lãm
Nguyễn Viết Lãm- thơ và yêu

09:06, 03/06/2014
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Cách đây mấy năm, nhân xem một trang web văn học, tôi thấy ảnh vợ chồng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm dự hội nghị quốc tế văn học do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, bức ảnh chú thích khá… nhộn: “chàng” 92 tuổi và “nàng” 75 tuổi, mới chợt nhớ, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm quê Quảng Ngãi đồng hương với tôi lúc ấy đã… 92 xuân.
 

Nguyễn Viết Lãm
Nguyễn Viết Lãm

Bác Lãm là nhà thơ thế hệ với Xuân Diệu, Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Bác sinh năm 1919, vào năm dự hội thảo văn học quốc tế bác tròn 91 tuổi, kể tuổi mụ là 92. Hồi đó, những bạn thơ ngày xưa của bác Lãm gần như đã rủ nhau đi về cõi khác cả rồi, riêng Nguyễn Viết Lãm vẫn tại thế trần gian và vẫn… yêu.

Chuyện bác Lãm yêu cũng là chuyện thú vị. Cách đây cũng đã nhiều năm, bác Đoan Trang (vợ của bác Lãm bây giờ), lúc ấy tuổi cũng đã… lục tuần, vốn quê ở thành phố biển Nha Trang, chợt một ngày khăn gói gió đưa ra tận Hải Phòng tìm thăm bác Lãm, khi ấy cũng đã ngót… 80. Và goá vợ.

Cuộc “ngược Bắc” sương gió này chỉ có một lý do duy nhất: Tình yêu. Trời ơi, người ta nói tình yêu bất phân tuổi tác, bất chấp tuổi tác, quả là chí lý! Hai bác ở “hai đầu đất nước” đã tìm nhau theo tiếng gọi tình yêu và họ sống với nhau hạnh phúc cho tới khi “chàng” đã 92 tuổi, còn “nàng” cũng đã 75 xuân.

Còn nhớ năm ấy, bác Lãm còn gửi tặng tôi tập thơ tình của bác, mà “người tình trong mộng” chính là… bác Đoan Trang, một tập thơ có không ít bài thơ hay, câu thơ hay về tình yêu. Bác Nguyễn Viết Lãm là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, là Chánh văn phòng đầu tiên của Hội nhà văn và là Chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ.

Tôi vẫn còn nhớ một bài thơ của bác Lãm viết vào đêm trước cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, bài thơ nhan đề “Hạ Long, đêm bốc vác”. Bài thơ viết về những người công nhân bốc vác Hải Phòng say mê và kiên cường lao động trong khung cảnh biển Hạ Long diễm ảo và thân thương. Bài thơ được tuyển vào nhiều tuyển thơ Việt Nam:
                                
                        
           HẠ LONG, ĐÊM BỐC VÁC

Tàu chúng ta không chỉ mang quặng mỏ
Mang cả vừng trăng ra giữa Hạ Long
Còi tàu khuya xé trời lay đá gọi
Núi gửi chuyền nhau tiếng vọng vang lừng

Nghìn cụm núi phục mình trên mặt nước
Đảo nằm yên hay những khúc lưng rồng ?
Tim biển đập dưới chân người bốc vác
Đớp ánh lân tinh con cá lượn vòng

Ta cắm vững bàn chân trên biển rộng
Vai ghép cầu cho quặng chuyển ra khơi
Tàu bạn đến, đô thành trôi giữa nắng
Sóng bừng lên cho Tổ quốc ta vui

Bờ quê hương có ai thương nhớ nhỉ
Đèn Hồng Gai thao thức dãy sao khuya
Yêu đất nước đôi vai càng không nghỉ
Trăng hãy chờ ta, trăng vội chi về!

Sương mờ xanh, Hạ Long còn lạnh giá
Nhưng mồ hôi mưa xối đổ lưng trần
Tay cần trục theo tay người hối hả
Chưa kịp nhìn, trời nước đã sang xuân!

Sao mai ơi, vội vàng chi dậy sớm
Biển chưa nghe giọng gáy núi Đôi Gà!
Trăng dù xế, mây hồng dù đã chớm
Vạn tấn hàng nao nức vượt khơi xa

Dang tay đón đầu tiên hơi gió sáng
Tự chân trời thổi nắng tới non cao
Ta xin gửi lòng ta về hải cảng
Với cả niềm vui sóng vỗ thân tàu

                                                           

1960
 
 
“Tim biển đập dưới chân người bốc vác” là một câu thơ uy nghi viết về người lao động trên cảng biển, những câu thơ như vậy ngày càng hiếm trong thơ đương đại Việt Nam. Vì thế nó càng quý. Hồi ấy, nhà thơ Việt Nam yêu thương nhân dân mình lắm, yêu thương lắm những người lao động bình thường.

Những nhà thơ tình nguyện đến với người lao động và cùng tham gia lao động với họ như tìm một niềm vui, một nguồn cảm hứng cho thơ ca. Xin hãy nhớ, thi hào Victor Hugo cũng đã từng “ba cùng” với người lao động như thế để có những kiệt tác thơ và văn xuôi, đặc biệt là những tác phẩm về biển và những người lao động trên biển.

Bốc vác là một trong những nghề lao động chân tay nặng nhọc, nhất là bốc vác trên biển và cũng không kém phần nguy hiểm nếu làm về đêm và dưới những áp lực. Bài thơ của Nguyễn Viết Lãm mang âm hưởng thơ cổ điển, gợi nhớ đến thơ Victor Hugo, nhưng thấm đẫm hồn Việt và phong cảnh biển Hạ Long. Tuy là đồng hương Quảng Ngãi, nhưng bác Lãm thuộc thế hệ trước, bác lại ít có dịp về thăm quê nên tôi chỉ được gặp bác vài ba lần trong những Đại hội nhà văn.

Bác Nguyễn Viết Lãm là một nhà thơ thật hiền, thật khiêm nhường. Và là một nhà thơ trí thức, với cách hành xử lịch lãm và thân thiện. Điều đó thật đáng làm gương cho những nhà thơ các thế hệ sau. Làm thơ, bên cạnh tài, còn cần phải có nhân cách. Và cần hơn cả, là một tình yêu.

Giở lại bức thư bác Lãm gửi tôi cách đây mấy năm, đọc những câu chữ chân tình, khiêm cung, với một tình yêu văn học nồng nàn, càng thấy yêu quí bác. Người như thế thì… yêu ở tuổi ngoài 80 cũng không có gì lạ. Trên thế giới cũng từng có không ít những nhà thơ… yêu khi tuổi đã ngoại… 80, trong đó có thi hào Goethe. Yêu khi đã ngoài 80 xuân nó thế nào nhỉ? Thật tình, tôi những muốn có nhà nghiên cứu tâm-sinh lý nào đó trả lời câu hỏi này. Chắc sẽ rất thú vị.

Riêng bạn bè văn nghệ quê Quảng Ngãi chúng tôi rất tự hào vì có một nhà thơ đồng hương là bác Nguyễn Viết Lãm, người cho tới năm thứ 10 của thế kỷ Hai Mốt vẫn vừa đại thọ vừa… đại yêu như thế! Nay thì bác Lãm đã về trời, nhưng thơ và tình yêu của bác thì còn lại./.
 


.