Quả ngọt từ những đam mê

12:05, 26/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lĩnh vực văn học-nghệ thuật ở tỉnh ta ngày càng thu hút nhiều hội viên tham giá sáng tạo, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chúng tôi có dịp ngồi cùng anh Lê Văn Sơn-Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, nhâm nhi ly trà nóng và ngẫm về câu chuyện văn học-nghệ thuật ở tỉnh nhà. Anh Lê Văn Sơn phấn khởi cho hay, hoạt động văn học-nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển đồng đều từ văn học, âm nhạc cho đến mỹ thuật… Cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm đều tăng. Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đạt 40 giải thưởng VH-NT cấp khu vực và toàn quốc.

Không đơn giản để cho ra đời tác phẩm VH-NT chiếm được cảm tình của nhiều người. Thế nên dấu ấn mà Quảng Ngãi tạo dựng trong nền VH-NT chung của cả nước là điều đáng tự hào. Cách đây chừng dăm bảy năm, tỉnh ta là “vùng trũng” trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Nay đã khác, Quảng Ngãi đã thành lập Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Ngãi. Có nhiều tên tuổi được biết đến qua các tác phẩm đạt giải thưởng cao như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Nguyễn Thanh Long, Lê Minh Thể…

Ngày thơ Việt Nam do Hội VH-NT tỉnh tổ chức hằng năm thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân.
Ngày thơ Việt Nam do Hội VH-NT tỉnh tổ chức hằng năm thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân.


Còn Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ngãi thì được đánh giá là mạnh nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nhiều người không khỏi xúc động khi thưởng thức hợp xướng “Chân sóng” (thơ: Thanh Thảo; nhạc: Văn Phượng). Đây là tác phẩm đạt giải ba trong đợt trao tặng giải thưởng âm nhạc năm 2013 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mặc dù đạt giải ba nhưng tác phẩm “Chân sóng” vẫn được xem như dẫn đầu lĩnh vực hợp xướng vì không có giải nhất và giải nhì. “Trường Sa âm vang lời Bác” (thơ: Nguyễn Ngọc Trạch; nhạc: Trương Quang Lục); “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta” (Sáng tác: Điền Sơn); “Người Ca dong uống rượu cần” (Sáng tác: Đinh Thiên Vương)… nhiều tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng người như điệp khúc của đam mê, của tình yêu thiêng liêng đối với quê hương, đất nước.    

Quả ngọt cũng được hái ở chuyên ngành mỹ thuật. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp đến Côn Đảo và chiêm ngưỡng tác phẩm “Hạnh phúc” của nhà điêu khắc-họa sĩ Bùi Nam đặt tại Nghĩa trang Hàng Dương. Và, không chỉ ở Nghĩa trang Hàng Dương, ở nhiều thành phố lớn trong cả nước, tác phẩm mỹ thuật của tác giả ở Quảng Ngãi cũng được “sánh vai” cùng tác phẩm của các tác giả nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam. Đây là điều  lấy làm vinh dự. Tại các triển lãm mỹ thuật miền Trung-Tây Nguyên đều trưng bày tác phẩm của các tác giả ở Quảng Ngãi. Trong nhiều trại điêu khắc quốc tế có nhà điêu khắc, họa sĩ ở Quảng Ngãi tham gia.

Nói đến quả ngọt trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, Chủ tịch Hội VH-NT Lê Văn Sơn mừng ra mặt khi nhắc đến chuyên ngành văn học. Anh Lê Văn Sơn bảo rằng “rất chua” để có thể đạt được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Vậy mà trong năm 2012 tỉnh ta có đến 2 tác phẩm đạt giải thưởng cao quý này. Đó là tác phẩm “Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo và tác phẩm “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương. “Giải thưởng lớn này phải chờ đến hơn 30 năm mới quay lại Quảng Ngãi”, anh Lê Văn Sơn nhấn mạnh. Quả đúng là chuyên ngành văn học tỉnh nhà đã đạt thành tích lớn. Tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cách đây hơn 30 năm là tác phẩm “Dấu chân qua trảng cỏ” của nhà thơ Thanh Thảo.

Vui mừng khi nhắc đến thành quả, song nói đến nhiệm vụ thời gian tới Chủ tịch Hội VN-NT tỉnh Lê Văn Sơn thoáng nét ưu tư. Quyết tâm, đam mê thì dạt dào trong ban chấp hành cũng như hội viên Hội VH-NT tỉnh. Nhưng theo anh Lê Văn Sơn, để phát triển mạnh mẽ hoạt động văn học-nghệ thuật trong tình hình mới, tỉnh cần quan tâm đến cơ chế, chính sách, đơn cử như xây dựng đề án giải thưởng VH-NT; chính sách khuyến khích hội viên sáng tạo tác phẩm có giá trị cao…

Và ngay như trụ sở làm việc của Hội VH-NT cũng cần sớm đầu tư xây mới, vì đã xuống cấp. Hy vọng rằng, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa để hoạt động VH-NT tỉnh nhà đáp ứng tốt nhu cầu theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học-nghệ thuật trong thời kỳ mới”.      

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 


.