Khói un mùa gặt

02:05, 11/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 3 âm lịch là thời điểm lúa đông- xuân bắt đầu chín. Mới đầu chỉ lác đác một vài chân ruộng lốm đốm vàng, chừng mươi hôm sau, cả cánh đồng bỗng  vàng rực lung linh trong nắng. Ấy là lúc quê tôi vào mùa gặt rộ.

Từ lúc tinh mơ, khi cây cỏ còn ngậm sương bà con đã ra đồng. Trời chưa sáng nhưng đồng trên xóm dưới đã nghe tiếng rè rè của máy gặt. Thời trước người dân quê gặt lúa bằng liềm rồi dùng bồ đập, ngày nay chẳng ai làm thế vì  gặt máy tiện lợi hơn nhiều. Lúa gặt xong cho vào bao mang lên đường quê đã  trài bê tông, láng nhựa để phơi. Chỉ một nắng thôi là lúa khô giòn. Đợi lúc gió nồm thổi mạnh, người ta tranh thủ giê lúa.

Giữa mùa gặt, khi những tia nắng cuối cùng tắt  trên những ngọn cây cao, bóng tối lần vào từng con ngõ là lúc người ta đem un những đống lúa lép. Giữa không gian thoáng đãng, mùi khói un bay lên hăng hắc vừa quen vừa lạ.

Mùa gặt quê tôi có khói đốt đồng, khói un chuột, khói un lúa lép. Sau mùa gặt nhiều gia đình không lấy rơm rạ nuôi bò, cứ để đồng rồi đốt. Khói đốt đồng theo gió cứ bùng lên như những đám mây lặng lẽ về trời. Khói un chuột theo đường hang hốc chui xuống rồi tan biến trong lòng đất. Chỉ có khói un lúa lép là còn lại, cứ bay là là dưới thấp như vương vấn, quấn quýt lấy chân người thật lạ. Lúa lép không bao giờ cháy bùng thành ngọn mà âm ỉ cháy, lặng thầm cháy để khói lên từng tia nhè nhẹ. Khi bóng tối khép lại trên các mái nhà, không gian đi vào tĩnh mịch cũng là lúc khói un lúa lép lặng lẽ tỏa vào đêm, trở thành một phần của vùng quê mùa gặt.

Người nông dân quê tôi vãi hạt thóc giống xuống ruộng cũng là lúc họ bắt đầu gieo một niềm hy vọng. Hy vọng sẽ có mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh hại, trời cho thóc lúa đầy bồ. Hy vọng không chỉ mùa này mà cho cả những mùa sau…

 

azfa
 


Không chỉ bây giờ mà từ rất xa xưa, từ  thuở ông cha ta biết làm lúa nước ở vùng hạ lưu sông Hồng rồi mở bước chân về phương Nam, niềm hy vọng ấy không bao giờ tắt. Niềm hy vọng sống cùng người nông dân qua biết bao bĩ cực, chiến tranh, đổi thay của thời cuộc.

Gần bốn tháng trời chăm bón cây lúa, bà con chỉ mong sớm đến mùa gặt. Vui nhất là khi thấy đống lúa lép nhà mình ít hơn mọi năm. Càng vui hơn khi cả xóm, cả làng được mùa. Buồn nhất là khi giê lúa, cơn gió nồm thổi mạnh bay đi nhiều lúa lép, phần chắc hạt còn lại không nhiều. Thôi thì chờ đến mùa sau…

Có đi với người dân quê đến hết cuộc đời mới hiểu được những buồn vui của họ khi mùa về. Nông dân được mùa chỉ mời nhau nồi củ khoai lang, rổ đậu phụng luộc, bát nước chè tươi, thế là xong. Không rượu bia, chè chén  như ngư dân được mùa cá mực. Nông dân đón nhận niềm vui không chút ồn ào bởi họ biết lo xa khi năm nào bão lũ cũng rập rình ở ngoài đầu ngõ.

Ngày xưa, thời cơ cực, không ít gia đình ở nông thôn đi gom lúa lép về nhóm bếp nấu nồi cháo heo. Có người un lấy tro bón ruộng, bón cây. Ngày nay chẳng ai làm thế vì đã có bếp gas bếp điện. Cũng chẳng còn ai dùng tro để bón đồng. Miền quê dẫu có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó khói un lúa lép bốc lên mang theo không biết bao nhiêu là lo toan, buồn vui của người dân quê sau mỗi mùa gặt.

Thanh Tánh    
 


.