Di tích lịch sử-văn hóa: Lợi thế để "hút" khách

01:05, 20/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực tế cho thấy di tích lịch sử-văn hóa thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Đây là lợi thế lớn trong phát triển du lịch.   

TIN LIÊN QUAN

Có dịp đến huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), du khách được hướng dẫn viên đưa đi tham quan rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa. Rõ ràng di tích nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương là “có một không hai”, song ngay cả các di tích cấp tỉnh cũng được huyện Côn Đảo khai thác triệt để trong phát triển du lịch. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết du khách đều hứng thú khi đến các di tích, bất kể cấp quốc gia hay cấp tỉnh. Mỗi một di tích gắn với câu chuyện lịch sử luôn hấp dẫn người nghe, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, tìm tòi về nguồn cội.

Khách du lịch TP. Hồ Chí Minh thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: BS
Khách du lịch TP. Hồ Chí Minh thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: BS


Qua trao đổi với lãnh đạo huyện Côn Đảo, chúng tôi được biết du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Mục tiêu của huyện Côn Đảo là xây dựng thành phố du dịch biển đảo giàu đẹp, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, bao gồm du lịch sinh thái biển đảo và du lịch di tích lịch sử-văn hóa.  Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở huyện Côn Đảo được quan tâm đặc biệt. Không chỉ riêng ở Côn Đảo, đến nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, chúng tôi cũng đều nhận thấy di tích lịch sử -văn hóa được quan tâm đầu tư, khai thác để phát triển  du lịch.   

Từ việc phát triển du lịch ở Côn Đảo cũng như ở nhiều địa phương khác, ngẫm đến lĩnh vực du lịch ở tỉnh ta quả thật còn nhiều điều phải bàn. Nhìn ở khía cạnh khai thác các di tích lịch sử -văn hóa, Quảng Ngãi dồi dào lợi thế. Toàn tỉnh hiện có gần 30 di tích lịch sử -văn hóa cấp quốc gia và hơn 170 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Nhà lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, di tích Đặng Thùy Trâm và các di tích lịch sử tại huyện đảo Lý Sơn đã thu hút sự quan tâm của rất đông du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, lợi thế phát triển du lịch từ con đường đến với di tích lịch sử -văn hóa ở tỉnh ta vẫn chưa được quan tâm.

  Nhiều người dân ở tỉnh ta đi tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử -văn hóa ở tỉnh bạn, còn đối với các di tích lớn trong tỉnh thì “tù mù” thông tin. Một học sinh giỏi cấp quốc gia môn lịch sử cho biết, mỗi khi có dịp đi tham quan ở các tỉnh bạn em đều được bố mẹ đưa đến các di tích lịch sử. Riêng  trong tỉnh thì chỉ mới đến Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Có nhiều di tích đến tham quan, muốn tìm hiểu sâu câu chuyện lịch sử nhưng không có người thuyết minh...

Mới đây, chúng tôi được cán bộ Sở GD&ĐT cho xem video ghi lại  cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử địa phương của học sinh THCS. Vị cán bộ này cho biết, đây sẽ là tài liệu để các trường giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh. Điều khiến chúng tôi quan tâm, bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh trong tỉnh thông qua video nói trên là tour du lịch do học sinh “vạch” ra. Một học sinh trong vai hướng dẫn viên du lịch, hấp dẫn du khách nước ngoài qua tài thuyết minh trong suốt hành trình từ Bình Sơn đến Sơn Tịnh.

Tour du lịch đi từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất qua mảnh đất Vạn Tường, nơi vua Lê Thánh Tông đã từng đặt chân đến. Rời Vạn Tường, du khách đến địa đạo đám toái Bình Châu, Khu du lịch Mỹ Khê. Hành trình về hướng Quốc lộ  1, du khách tiếp tục đến tham quan Khu Chứng tích Sơn Mỹ, tham quan đệ nhất phong cảnh trên núi Ấn và viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tour du lịch kết thúc tại núi Ấn. Du khách quốc tế bày tỏ sự hài lòng khi được đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên bao la nhìn từ núi Ấn.

Quả thật, tour du lịch nói trên của học sinh khiến cho những người làm công tác du lịch không thể không chú ý. Thiết nghĩ, để phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cơ quan chức năng cần khai thác lợi thế từ các di tích lịch sử -văn hóa trên địa bàn tỉnh.

PHƯƠNG LÝ
 


.