Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014

10:05, 10/05/2014
.

Chiều 10/5, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 1500 đại biểu chính thức đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn tăng ni, phật tử Việt Nam.
 

Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014. Ảnh: V.A
Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014. Ảnh: V.A



Tham dự Lễ bế mạc có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng, Tiến sĩ Dhammaratana, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV Vesak Liên hợp quốc; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại Lễ bế mạc, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 và thống nhất đưa ra Tuyên bố chung Vesak Liên hợp quốc 2014 hướng tới việc Phật giáo thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, với các giải pháp cụ thể tập trung vào các vấn đề: Hồi ứng Phật giáo về hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Phật giáo về sự phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Giáo dục Phật giáo và chương trình đào tạo đại học.

Các đại biểu cùng thống nhất mong muốn đẩy mạnh việc áp dụng giáo lý của Đức Phật để đạt tới mục tiêu hòa bình của thế giới, một thế giới không có sự xung đột trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia khác nhau, tất cả các nước đều biết tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đại lễ Tam hợp Đức Phật Liên hợp quốc năm 2014 tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Ngọn cờ nhân văn, hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã được giương cao ở Hà Nội – thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2008 và lần này là tại Ninh Bình – cố đô, nơi mà từ hơn một ngàn năm trước, Phật giáo đã được các bậc minh quân phong kiến Việt Nam đề cao. Ở đó, các đại sư tài đức đã được vua phong làm quốc sư để giúp đời hộ quốc, an dân.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong thời gian Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc diễn ra tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng chục triệu tăng ni, Phật tử trong cả nước cùng tiến hành kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca theo truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của mình, hưởng ứng Đại lễ Vesak trong tinh thần văn hóa quốc tế và hữu nghị của Liên hợp quốc. Ngày Phật đản Liên hợp quốc ở Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật – bậc minh triết được nhân loại suy tôn và ngưỡng mộ. Thông qua Đại lễ này, Việt Nam hy vọng sự đoàn kết, gắn bó giữa chúng ta càng bền chặt để hành động có hiệu quả thiết thực hơn cho hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng trân trọng gửi lời cảm ơn đại diện Liên hợp quốc, các vị khách quốc tế, quý đại biểu và toàn thể tăng ni, Phật tử gần xa đã nhiệt tình tham dự và góp phần cho Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 tại Việt Nam được thành công viên mãn; đồng thời đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2014.

Với thành tựu đạt được qua Đại lễ này, Phó Thủ tướng tin tưởng sâu sắc rằng những ý nguyện tốt đẹp của cộng đồng quốc tế được thảo luận, thống nhất thể hiện tại Tuyên bố chung Vesak 2014 nhất định sẽ trở thành hiện thực; qua Đại lễ này, mỗi chúng ta được tiếp nhận thêm nguồn cổ vũ, động viên và sự hỗ trợ để nỗ lực góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn có hàng triệu người bị đói, bị rét, không có nhà ở... Ở Việt Nam, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, có các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện bình đẳng xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là đối với người nghèo.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 khép lại với nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình tại sân điện Tam Thế, chùa Bái Đính, thêm một lần nữa khẳng định khát vọng hòa bình của cộng đồng Phật giáo thế giới, và hơn cả là mong muốn được lan tỏa những thông điệp tốt đẹp trong Tuyên bố chung Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 tới nhân loại trên toàn cầu./.

Theo Mỹ Anh (dangcongsan.vn)

 


.