Lễ hội cầu ngư Khánh Hòa là di sản văn hóa quốc gia

08:04, 10/04/2014
.

Sáng 10-4, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa đã làm lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa”.
 

 Hò Bá Trạo tái hiện quá trình ngư dân lao động trên biển - Ảnh: CHÂU TƯỜNG
Hò Bá Trạo tái hiện quá trình ngư dân lao động trên biển - Ảnh: CHÂU TƯỜNG


Tại buổi lễ, đại diện 46 đình, lăng có tổ chức lễ hội cầu ngư đã nhận bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa - cho biết lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian tạo thành một nét đặc trưng riêng. Lễ hội cầu ngư có các nghi lễ: lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò Bá Trạo, lễ Tỉnh sanh, lễ Tế chánh, Thứ lễ và Tôn Vương, lễ Tống na.

Ngư dân ở vùng biển Khánh Hòa từ lâu đời vốn có tục thờ ông Nam Hải. Ông Nam Hải là cá ông voi, loài cá có thân hình to lớn nhưng bản tính lại hiền hòa, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển. Khi cá ông voi chết trôi dạt vào bờ thuộc địa phận làng biển nào thì làng biển ấy lập lăng thờ phụng rất nghiêm cẩn. Lăng được gọi là lăng Ông Nam Hải.
 

  Ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phải) - trao bằng chứng nhận cho đại diện các đình, lăng - Ảnh: CHÂU TƯỜNG
Ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phải) - trao bằng chứng nhận cho đại diện các đình, lăng - Ảnh: CHÂU TƯỜNG


Trong lễ hội, ngư dân làm lễ Nghinh Ông, rước sắc rồi vào đền làm lễ chính. Tiếp đến là múa siêu, tế Ông Nam Hải để biểu thị uy lực, oai nghiêm của ngài và để bày tỏ lòng kính trọng dâng lên ngài trong ngày tế lễ. Trò diễn Bá Trạo vừa là trò diễn nghệ thuật vừa là một nghi thức chính trong tế lễ. Khi Nghinh Ông ở vạn lạch trở về lăng trò diễn này để rước Ông nhập lăng. Trò diễn Bá Trạo tái hiện quá trình ngư dân lao động trên biển.

Lễ Tế chánh gồm chánh tế, bồi tế, đông hiến, tây hiến… diễn ra rất nghiêm trang. Vật tế chính là một con heo sống còn nguyên vẹn thủ, vĩ, tạng phủ cùng với một đĩa mao (một nhúm lông heo), huyết (máu tươi). Lễ Tôn vương là màn múa hát tổng hợp gồm: múa lân, múa long hổ hội, múa chuốc rượu… thể hiện khát vọng hòa bình của trăm họ.
 

Theo CHÂU TƯỜNG/Tuổi Trẻ Online

 


.