Ai cũng được phạt báo chí vì... Nghị định không rõ ràng

01:03, 07/03/2014
.

Liên quan đến việc nhiều Nghị định quy định chồng chéo, gây ra tình trạng cơ quan, cá nhân nào (kể cả... chủ tịch xã) cũng có thể phạt báo chí, chiều 6/3, Bộ Tư pháp đã chính thức lên tiếng cho biết, lỗi là do các Nghị định "mô tả không rõ ràng"....
 
Những Nghị định chồng chéo

Thời gian qua, sau khi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành, một số cơ quan báo chí đã phản ánh, thậm chí hết sức bức xúc trước sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật.
 
Theo đó, nội dung được các cơ quan báo chí phản ánh tập trung vào hai vấn đề chính, đó là: Hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng mức phạt có sự khác nhau so với mức phạt được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, đồng thời pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi đưa tin sai sự thật của báo chí.
 
Đơn cử như Nghị định số 79/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê quy định: phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật.
 
Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định: phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về sự cố hạt nhân.
 
Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định: phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
 
Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng và nếu thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng thì sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
 
Chính những quy định chồng chéo tại các Nghị định nêu trên đã khiến cho các phóng viên báo chí phản ứng, đặt câu hỏi thắc mắc tại phiên họp thường kỳ quý IV của Bộ Tư pháp vào cuối năm 2013.
 

Việc các Nghị định quy định không rõ ràng khiến dư luận hiểu rằng, ai cũng có thể có quyền phạt báo chí - ảnh minh họa
Việc các Nghị định quy định không rõ ràng khiến dư luận hiểu rằng, ai cũng có thể có quyền phạt báo chí - ảnh minh họa



Lỗi do... mô tả không rõ ràng
 
Sau khi cùng với nhiều bộ ngành và cơ quan liên quan rà soát, chiều 6/3, Bộ Tư pháp đã đưa ra kết luận: Chỉ có Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được áp dụng để xử phạt đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện và hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện.
 
Còn mục đích chính của các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác (gồm: NĐ số 79/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; NĐ số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; NĐ số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; NĐ số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; NĐ số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, đo đạc bản đồ và NĐ số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế)… là xử phạt cá nhân, tổ chức thực hiện việc cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, không bao gồm phóng viên và cơ quan báo chí.
 
“Tuy nhiên, do mô tả hành vi tại các Nghị định này chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu trong đó có việc phạt hành chính đối với các cơ quan báo chí và phóng viên.” – Bộ Tư pháp giải thích.
 
Để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật, ngày 28/02/2014 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 579/BTP-PLHSHC kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đối với các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có quy định hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong các nghị định để làm rõ phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên.
 
Còn đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện; hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện sẽ áp dụng xử phạt hành chính thống nhất theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
 
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng một Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định: 79/2013/NĐ-CP, 107/2013/NĐ-CP, 109/2013/NĐ-CP, 138/2013/NĐ-CP, 173/2013/NĐ-CP, 176/2013/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn để làm rõ việc xử phạt hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật theo các Nghị định này là phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên.




Tuệ Khanh/VnMedia


.