Giao lưu cổ vật đầu xuân

10:02, 18/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào sáng mùng 10 tháng giêng, tại nhà hàng Đông Dương đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa những người nghiên cứu, sưu tầm cổ vật trong tỉnh. Đây là cuộc gặp mặt hoàn toàn mang tính tự nguyện.

Xuất phát từ sở thích chung của giới chơi cổ ngoạn là muốn giao lưu, trao đổi cổ vật nhân dịp đầu năm nên vợ chồng thầy giáo Nguyễn Văn Thắm - giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cũng là người rất mê nghiên cứu, sưu tầm cổ vật đã đứng ra làm mạnh thường quân cổ vũ, động viên anh em trong giới chơi cổ ngoạn tụ họp gặp mặt  và đã có hơn 20 gương mặt sưu tầm cổ vật trong tỉnh đến dự. Tại buổi gặp mặt, nhiều người đã đưa cổ vật của mình ra giao lưu trao đổi với nhau bằng hình thức "đấu giá".

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắm trao dĩa trà cổ cho chủ mới là Đặng Ngọc Hân trong buổi giao lưu cổ vật đầu xuân tại nhà hàng Đông Dương.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thắm trao dĩa trà cổ cho chủ mới là Đặng Ngọc Hân trong buổi giao lưu cổ vật đầu xuân tại nhà hàng Đông Dương.


Cổ vật đầu tiên được đưa lên sàn "đấu giá" là một dĩa trà xưa, đường kính khoảng 15 phân, cốt sứ, men trắng vẽ mực xanh, phong cảnh sơn thủy hữu tình, hiệu Ngoạn Ngọc, thời nhà Thanh Trung Quốc, niên đại khoảng hơn 100 năm. Trước đây nhiều năm, với chiếc dĩa trà loại như thế này mà bán được khoảng 500 ngàn đồng là được giá lắm rồi, nhưng tại đây ông Đặng Ngọc Hân đã mua tới giá 3 triệu đồng.

Cổ vật thứ hai lên sàn là một chiếc bình vôi không quai cốt sành nung già lửa, thuộc dòng gốm Mỹ Thiện (Châu ổ), giá khởi điểm là 200 ngàn đồng. Qua nhiều người đấu giá, cuối cùng người được sở hữu chiếc bình vôi này là chủ nhà hàng Đông Dương với giá 500 ngàn đồng.

Mặt hàng thứ ba là 3 đồng tiền giấy Việt Nam dân chủ cộng hòa, phát hành sau năm 1945, có in hình Bác Hồ và chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đưa ra giá khởi điểm là 300 ngàn đồng 3 tờ. Một người sưu tầm cổ vật ở huyện Mộ Đức muốn mua 3 đồng tiền này để tặng cho Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa giá lên tới 400 ngàn đồng, nhưng sau đó có người còn đấu giá lên cao hơn nên đã thắng cuộc.

Nhiều cổ vật khác như bình pha trà cốt sứ, men trắng xanh thời Nhà Thanh, những chiếc dĩa celadon thời nhà Minh (Trung Quốc), vớt lên từ các con tàu đắm ở vùng biển miền Nam Việt Nam cũng đã đưa ra "đấu giá" thành công tại cuộc giao lưu này.

Đây là lần thứ hai giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Quảng Ngãi đã tự nguyện tổ chức gặp mặt đầu năm để giao lưu, trao đổi cổ vật.

Cũng vào ngày này năm trước, tại đây ông Lâm Zũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã đưa lên "sàn đấu giá" một chuỗi hạt thủy tinh cổ gồm 77 viên của cư dân văn hóa Sa Huỳnh (cách nay khoảng hai ngàn năm) với giá khởi điểm là 1 triệu đồng. Qua nhiều người đấu, cuối cùng có người đã mua nó với giá 2,5 triệu đồng mà còn mừng là sở hữu được món cổ vật quý hiếm!

Xã hội hóa việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể trong khuôn khổ luật pháp cho phép là chủ trương đang được khuyến khích tại nhiều tỉnh và thành phố trong nước. Đối với Quảng Ngãi, vào dịp Xuân về, bên cạnh việc tổ chức những lễ hội truyền thống và các thú vui sinh vật cảnh, còn có hình thức gặp mặt giao lưu, trao đổi cổ vật với nhau. Hoạt động này tuy còn mới mẻ nhưng đó cũng là nét đẹp văn hóa lành mạnh nên khuyến khích, để cùng nhau góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa vật thể của nước nhà.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM