Xây dựng hồ sơ "Nghi lễ Chầu văn của người Việt" trình UNESCO

01:01, 16/01/2014
.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan xây dựng Hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO đưa và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong kỳ xét duyệt năm 2015.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, gồm 9 thành viên do bà Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Trưởng Ban; ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định làm Phó trưởng ban thường trực; ông Bùi Đức Long – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định làm Phó trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thành lập các tiểu ban tổ chức thực hiện và điều hành việc triển khai xây dựng hồ sơ, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định.  

Được biết, nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên)..., sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.

Ở Nam Định, hát văn biểu hiện chủ yếu dưới hình thức hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, diễn ra trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào tháng Ba và tháng Tám Âm lịch. Những năm gần đây, còn có hát thi trong lễ hội Phủ Dầy. Một số làn điệu cơ bản của hát văn gồm: Vỉa (thường ở giai đoạn bắt đầu, lời văn thể lục bát), Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Kiều dương, Dọc, Cờn, Xá, Hãm, hay các điệu Lưu thuỷ, Dồn, Bỏ bộ…, với lời văn thường ở thể thơ lục bát và song thất lục bát.
 

Theo Khanh Hoa (Chinhphu.vn)
 


.