Phạm Văn Hoanh và "Đằng sau câu nói"

08:01, 12/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đằng sau câu nói” là tập tản văn của tác giả Phạm Văn Hoanh vừa ra mắt bạn đọc trong chương trình tài trợ quảng bá tác phẩm của Hội VHNT Quảng Ngãi - 2013. Anh quê ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), hiện đang dạy học ở xã Bình Tân (Bình Sơn). Gắn bó với nghiệp văn và xem việc dạy văn, viết văn là lẽ sống của mình, Phạm Văn Hoanh đã lặng lẽ làm bạn với những trang viết và đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng ở Trung ương và địa phương. “Đằng sau câu nói” là tác phẩm nói về những hoài niệm của anh về làng quê trong ký ức với những con đường ngập nắng, thắp lên lửa phượng ngày hè và những cơn mưa phùn heo hút gió mùa đông.

Ở đó có những trang văn thao thức nhớ về thú vui nơi thôn dã như câu cá rô, bắt cua đồng, tát đìa bắt cá thuở chăn trâu, cắt cỏ nơi đồng sâu, ruộng cạn. Tôi rất ấn tượng và thú vị khi đọc những dòng văn hôi hổi nhịp sống quẫy đạp liên hồi trong tâm thức về những món ẩm thực đồng quê, dân dã qua những hồi ức, trải nghiệm của anh chia sẻ với bạn đọc. Cái thú, niềm vui khi bưng tô canh cá rô đồng nấu bông súng mang hơi hướng một miền quê Nam bộ: “Bông súng ngắt về tước vỏ rửa sạch, cắt khoảng 5cm. Cá rô đồng chọn con mập, làm sạch, bỏ vây, mang và ruột.

Luộc cá vừa chín tới, gỡ lấy thịt ướp gia vị vào để sẵn. Bắc xoong nước lên bếp đun sôi, vắt nước chanh vào. Sau đó cho cá và bông súng vào, nêm thêm nước mắm, sao cho canh có vị chua chua, ngòn ngọt vừa ăn. Nhắc xoong xuống, múc ra tô rắc thêm một ít rau thơm đã rửa sạch xắt nhỏ và vài lát ớt lên trên” (Cá rô đồng nấu canh bông súng). Đó là một món ăn dân dã, cách viết cũng dân dã, tự nhiên như cách nói mộc mạc của những người nhà quê mà sao thương quá vậy? Những món ăn đặc sản của quê hương Quảng Ngãi qua ngòi bút của Phạm Văn Hoanh trở nên sinh động hơn, gợi nhớ hơn bởi những kỷ niệm ấu thơ của anh gắn vào trong đó: “Mẹ lồng ui vào đôi gióng mây, chồng lên mười cái tô, mười cái muỗng, chai nước mắm, gói ớt sim và bao bánh tráng nướng sẵn, gánh ra chợ bán cho khách ăn sáng.

Dư vị gánh don của mẹ tôi ngày nào vẫn còn đọng mãi trong tôi cho đến tận bây giờ, để rồi mỗi khi thấy dân làng nhủi don dưới sông Trà hay sông Vệ lòng tôi lại bùi ngùi nhớ về mẹ, một người mẹ đã tần tảo gánh don trên đôi vai gầy để nuôi đàn con khôn lớn” (Nhớ tô Don Vạn Tượng).

Tựa đề của tập tản văn “Đằng sau câu nói” gắn với một kỷ niệm ấu thơ thời cắp sách. Câu nói của cha đứa bạn đã theo anh suốt đời, làm động lực để anh vươn lên, vượt qua mọi khó khăn để học tập thành người: “Mày học chơi chứ không làm gì được đâu”. Mới đầu câu nói ấy như một sự xúc phạm, anh đau đớn tưởng chừng như một nhát dao bén nhọn đâm thấu tim. Nhưng rồi chính câu nói ấy đã kích thích lòng tự ái của anh, để anh cố công học tập: “Bây giờ cha nó đã về cõi vĩnh hằng nhưng lời nói ấy vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi mỗi lần về quê, tôi vẫn ghé vào nhà nó thắp cho cha nó nén hương”.

 

Trầm Thụy Du
 


.