Phạm Hổ… lành

04:01, 12/01/2014
.

*Thanh Thảo


Phạm Hổ
Phạm Hổ

(Baoquangngai.vn)- Tôi ít thấy nhà văn nào ở xứ ta mà lành như Phạm Hổ, dù ông mang tên chúa sơn lâm dữ dằn. Phạm Hổ lành thật! Có lần tôi nghe qua mấy bạn văn kể chuyện ông bị một học trò thất sủng vào trường viết văn N.D… đá.

Chuyện là ông học trò này thi vào trường không đủ điểm đậu, ông đổ thừa do thầy Phạm Hổ chấm điểm quá khắt khe. “Thực ra, tôi đã chấm rất nới, nhưng do bài làm của cậu ta yếu quá, cộng nhiều điểm do nhiều thầy chấm thì không đủ điểm đỗ. Chứ tôi nỡ nào đánh rớt ai, nhất là khi người ta ứng thi vào một trường viết văn, là trường chẳng mấy ai ham vào học. Cậu ta nóng ẩu quá, ra chân đá tôi một cú khá độc. May mà tôi có võ nên tránh được, chứ không khéo nguy”.

Phạm Hổ quê Bình Định, nên chuyện ông nói mình có võ là chuyện thật, chứ không phải ông bịa ra để khoe hay doạ ai. Sau đó, Phạm Hổ cũng quên ngay chuyện bất kính bất nhã của người “học trò”, và ông lại hiền hoà như từ bao giờ vẫn vậy.

Người hiền như thế nên Phạm Hổ làm thơ, viết truyện cho thiếu nhi có khá nhiều tác phẩm thành công. Lứa tuổi nay đã ngoại tứ tuần ngũ tuần ở miền Bắc hồi nhỏ đều đã từng đọc truyện, đọc thơ Phạm Hổ viết cho lứa tuổi mình. Nhiều bài thơ của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi vẫn có mặt trong các tuyển tập thơ, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, và đi vào sách giáo khoa cho lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở.

Tôi quen Phạm Hổ từ những năm 80 thế kỷ trước, nhiều lần đi chơi hay bên cốc cà phê chuyện trò với ông, càng cảm thấy con người này hiền một cách tự nhiên, hiền từ nguồn. Vì hiền như thế nên ông không phải người quyết ăn thua đủ về bất cứ cái gì. Theo cách mạng từ khá sớm, ngay sau Cách mạng Tháng Tám ông đã đứng trong hàng ngũ những văn nghệ sĩ cách mạng của Liên khu Năm, rồi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp Phạm Hổ lăn lộn cùng đồng bào chiến sĩ chống giặc. Nhưng do không quá “quyết chí” nên mãi sau này ông cũng chỉ là một nhà văn không chức tước gì, một nhà thơ viết những câu thơ ấm áp ngây thơ cho các cháu, và cứ tiếp tục… hiền lành như thế. Phạm Hổ là người đọc nhiều, kiến văn rộng, nhưng rất ít khi thấy ông “cao đàm khoát luận” về những đề tài văn chương chữ nghĩa hay triết học. Chỉ khi gần gũi ông, bên chén trà nóng, cốc cà phê, ông mới thổ lộ nhiều điều nghe rất thấm thía.

Ông là một con hổ ẩn mình giữa thâm sơn cùng cốc của chính thân phận mình. Và “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, Phạm Hổ đã để lại nhiều tiếng thơm lành ngay sạch. Trong cuộc đời có được một người hiền đã là quý, có một nhà văn, nhà thơ hiền còn quý hơn. Vì họ biết lan toả cái hiền của mình vào trang sách, vào bài thơ và cái hiền từ tâm của họ sẽ đi tới với nhiều người, thuyết phục con người sống cho ngay lành. Ít nhất là không “bỗng dưng muốn… đá” vào người khác./.
 


.