Lên Làng Rào nghe đàn T'rưng…

01:01, 11/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lớn lên cùng rừng xanh, trong tiếng đàn T’rưng, những người Hrê ở thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) hầu như đều có thể tự làm ra nhạc cụ ấy để thỏa niềm đam mê ca hát của mình. Khi những âm thanh rộn rã của đàn T’rưng cất lên, mọi mệt nhọc của đời thường tan biến, nhường chỗ cho đắm say tình yêu người, yêu cuộc sống, yêu xóm làng, ruộng rẫy và những mái nhà sàn…

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi tìm về Làng Rào vào một chiều đông khi những người làm đồng bắt đầu trở về nhà. Chạm cổng làng đã nghe tiếng đàn T’rưng rộn lên từ những nóc nhà sàn. “Tiếng đàn của già Dố đấy! Hôm nào cũng vậy, cứ tầm này là già lại bày đàn ra, đánh vài điệu báo hiệu kết thúc một ngày làm việc” - bà Đinh Thị Cà Soi ở Làng Rào giải thích với “người lạ”. Bà bảo nghe mãi thành quen, hôm nào già Dố ốm, đàn không lên tiếng, thấy trống trải, buồn lắm.

 

Biểu diễn đàn T’rưng tự tạo tại Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư của người dân Làng Rào, xã Sơn Thủy.
Biểu diễn đàn T’rưng tự tạo tại Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư của người dân Làng Rào, xã Sơn Thủy.


Trong ngôi nhà sàn đơn sơ đậm nét đặc trưng của người Hrê, già Dố giới thiệu với chúng tôi chiếc đàn T’rưng tự chế tác của mình. Những ống nứa nhỏ, to, ngắn, dài kết với nhau bằng hai sợi dây rừng đặt trên chiếc khung được làm từ cây dại. Mở đầu câu chuyện, là một khúc nhạc được già Dố tấu lên cùng chiếc đàn T’rưng. Những âm thanh kia không thể sánh với thanh âm của nhạc cụ hiện đại nhưng nó đủ làm mê hoặc chúng tôi. Đôi tay sần sùi của già Dố sáng - trưa chẻ lạt, đẽo cây, đốn củi thô kệch, cục mịch, vậy mà chiều về, tối đến gảy đàn lại uyển chuyển đến không ngờ.

Gắn cả cuộc đời với rừng xanh, suối trong, già Dố chưa từng học qua một nốt nhạc nhưng lại biết chế tạo nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là đàn T’rưng. Chia sẻ với chúng tôi, già Dố bảo: Đàn T’rưng dễ làm lắm. Chỉ cần chặt nứa rừng về, rồi dùng tay đo cắt, kết nhiều ống nứa với nhau bằng hai sợi dây tạo thành dàn ống với cung bậc thanh âm cao, thấp. Sau đó, làm khung đỡ, đặt dàn âm thanh ấy lên. “Đàn T’rưng này không đẹp nhưng nó được làm bằng cả trái tim của mình đấy!” – già Dố bộc bạch.

 

Đội văn nghệ Làng Rào (Sơn Thủy) biểu diễn cùng đàn T’rưng tự tạo.
Đội văn nghệ Làng Rào (Sơn Thủy) biểu diễn cùng đàn T’rưng tự tạo.


Mỗi một mùa lúa đi qua, già Dố lại “sinh” ra một cây đàn T’rưng. Cùng với tiếng chiêng, tiếng sáo Tà vố, tiếng đàn T’rưng của già Dố là thứ không thể thiếu trong ngày vui đón Tết Ngã rạ của dân làng. Vì yêu tiếng đàn T’rưng mộc mạc nhưng cháy bỏng, nhiều người Hrê ở Làng Rào đã theo già Dố “học nghề”. Trong số ấy có nhiều người đã được ngành văn hóa huyện Sơn Hà chọn đi tham gia các hội thi, đi biểu diễn ở nhiều địa phương khác. Dĩ nhiên, việc tự làm đàn T’rưng ở Làng Rào không phải vì “hội diễn, hội thi” mà xuất phát từ tình yêu thực sự. Tiếng đàn T’rưng là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, ví như nước uống, cơm ăn, áo mặc của người làng vậy. Già trẻ, gái trai đều mê những âm thanh thánh thót, reo vui, rộn rã của đàn T’rưng.

Trước khi trở lại Làng Rào, đến thăm già Dố, tìm hiểu thêm về cây đàn T’rưng ở đây, chúng tôi đã nhiều lần được nghe người làng biểu diễn loại đàn tự tạo này. Người đàn, người hát bằng tiếng Hrê, chắc có lẽ lời bài hát chẳng mấy ai hiểu nhưng khi tiếng đàn cất lên, tất cả mọi người cùng lắc lư theo. Con trai, con gái trong làng đến tuổi cặp kê, được cha mẹ khuyên cố học lấy cách làm đàn, chơi đàn T’rưng. Làm đàn T’rưng đẹp, đánh đàn T’rưng hay sẽ được nhiều người yêu mến, kết thân, có cơ hội để chọn cho mình người bạn đời như ý. Và hơn hết là để giữ gìn vốn quý âm nhạc của người Hrê Làng Rào.

Chúng tôi đem câu chuyện về “Đàn T’rưng ở Làng Rào” kể lại với các anh chị em ở Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Sơn Hà, các anh chị ấy cho biết: Phong trào tự làm nhạc cụ để biểu diễn trong đồng bào Hrê Sơn Hà mạnh lắm. Mỗi lần tham gia hội diễn, đều có hàng chục loại nhạc cụ tự tạo rất độc đáo, đặc biệt là đàn T’rưng. Họ làm đàn bằng cả trái tim, chơi đàn bằng tình yêu âm nhạc. Ban ngày họ là những nông dân cuốc, cày rất giỏi, nhưng tối đến họ lại là nghệ sĩ sân khấu thực thụ đắm say, điêu luyện với từng cung bậc thanh âm của nhạc cụ dân tộc. Và có lẽ vì thế mà nỗi lo về giữ gìn bản sắc văn hóa của người Hrê, trong đó có đàn T’rưng ở nơi đây phần nào đã nhẹ nhàng hơn nhiều nơi khác…


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.