Hương cau quê nhà

09:01, 14/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quả cau, lá trầu là vật không thể thiếu trong các đám cưới hỏi cũng như các nghi lễ cổ truyền của người Việt. Chính vì thế trầu cau đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Tuổi thơ của tôi đã lớn lên trong câu ca của mẹ, lời ru của bà “Trầu vàng xen lẫn trầu xanh/ Duyên anh sánh với tình anh tuyệt vời”. Hay “Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không?”

TIN LIÊN QUAN


Cứ thế tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ru ngọt ngào của những câu ca tình duyên ấy và trong cả hương vị nồng ấm của miếng trầu, quả cau.

Quên làm sao những trưa hè, ngồi trên chiếc chõng tre, dưới giàn trầu xanh, bà nội dạy tôi têm miếng trầu cánh phượng, dạy cách bổ cau ba, cau sáu; rồi dạy cánh ngoáy trầu trong chiếc cối đồng với cây ngoáy bé xinh mà lúc nào bà cũng mang theo bên mình. Cũng dưới dàn trầu ấy, tôi đã ngồi hàng giờ tỉ mỉ tước những tàu lá cau vàng giúp bà làm chổi. Chiếc chổi cau do tay bà bện thật đẹp, dẻo dai và bền.

Nhớ những chiều hè, bọn trẻ con chúng tôi nhặt từng quả cau non, nhỏ bằng đầu ngón tay, rụng đầy mặt đất để làm quân quan cho trò chơi ô ăn quan. Có lần tôi và các bạn bốc trộm thuốc, vôi, trầu, cau trong cơi trầu của bà để ăn thử. Bỏ miếng trầu cau có quẹt tí vôi  vào miệng nhai, đầu lưỡi tê tê, ngòn ngọt, sau đăng đắng, nồng nồng, càng nhai càng cay và… say, đất trời chao đảo... Biết chuyện, bà nội miệng nhai trầu, nhìn chúng tôi say, cười thật phúc hậu.

Cau đến mùa rụng lá, bà thường nhặt những tàu cau để làm các vật dụng trong gia đình, như: Mo cau phơi khô, ép thẳng để làm quạt. Chiếc quạt mo do bà làm vừa bền, vừa nhẹ. Quạt mo cau phe phẩy trong những trưa hè nóng bức cho ta làn gió mát thơm nồng hương cau, đưa tuổi thơ ta vào giấc ngủ trưa hè. Cũng những chiếc mo cau ấy, bọn trẻ chúng tôi biến nó thành xe kéo, ngựa kéo cho đám rước dọc theo đường làng tung bụi mù trời. Hôm anh Hai lên đường đi chiến trường K, mẹ đã gói một nắm xôi to trong chiếc mo cau để anh mang theo ăn dọc đường hành quân.  
 

 

Nhưng đêm mùa đông lạnh, tôi thích được ngủ cùng với bà; rúc trong chăn ấm nồng hương trầu cau của bà, tôi nghe bà kể chuyện sự tích trầu cau, chuyện bà Trưng, bà Triệu cưỡi voi ra trận đánh giặc nhưng bên thắt lưng vẫn không quên bao đựng trầu têm cánh phượng... những câu chuyện ấy, hơi ấm ấy đã đưa tôi vào giấc ngủ ấm êm trong đêm đông giá lạnh. Cứ thế, tuổi thơ tôi lớn lên trong tình thương đượm hơi ấm của trầu cau, của bà, của mẹ.

Tháng ba, nắng xuân nhè nhẹ, làm những hàng cau trong vườn bừng tỉnh, trổ ra những chùm hoa trắng muốt, khoe sắc, khoe hương trên lưng chừng trời cao. Hương hoa cau rất đặc biệt, không ngát như hương nhài, mà thanh khiết, đượm tình, tỏa hương dìu dịu trong không gian. Hoa cau tỏa hương vào buổi sáng tinh sương lại càng tăng thêm sự tinh khiết khó tả. Với tôi, dù đi đến chân trời góc bể cũng không quên được mùi hương ấy.

Những chiếc hoa cau trắng bé li ti tựa tuyết, tựa sương, rụng đầy trên mái tóc đen nhánh, thơm nồng hương bưởi, hương chanh của đám con gái đang tuổi cập kê. Để rồi làn hương trên mái tóc thề đã làm thổn thức bao đám con trai làng. Những năm tháng ấy, đám trai làng tòng quân lên đường đi bảo vệ biên cương, họ mang theo mùi hương của hoa chanh, hoa bưởi và cả hương cau ủ trong mái tóc con gái, chưa một lần cầm tay hay trao nụ hôn đầu. Mùi hương ấy đã đi theo các anh trai làng suốt dọc dài đất nước. Để rồi ngày trở về, các anh cậy cha, cậy mẹ, cậy ông mối, bà mai mang cả mâm trầu, mâm cau sang nhà người con gái mà mình yêu thương xin cưới làm vợ.

Đại Nghĩa
 


.